Nguyễn Phụng Sang
- Hội viên CMA Australia - Chương trình quốc tế trong lĩnh vực Quản trị tài chính và Quản chiến lược dành cho các nhà quản lý cấp cao tại Australia.
- Thành viên Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA).
Theo số liệu thống kê từ Công ty cung cấp dịch vụ tài chính Robocash Group, tính từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2022, số lượng người dùng ví điện tử tại Việt Nam tăng từ 12,3 lên 41,3 triệu khách hàng (tương đương tăng 330%).
Hiện nay, khoảng 57% dân số trưởng thành của Việt Nam sử dụng ví điện tử, trong khi cuối năm 2018 mới là 14%. Robocash ước tính đến tháng 7/2024, thị trường này sẽ có 50 triệu người dùng hoạt động, 100 triệu vào tháng 5/2026 và 150 triệu vào tháng 7/2030.
Đó là những con số minh chứng cho sự bùng nổ của ví điện tử tại Việt Nam. Theo quan sát của tôi, ví điện tử được ưa chuộng bởi những chính sách ưu đãi giảm giá, hoàn tiền, tính tiện lợi.
Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ thanh toán cơ bản như nạp tiền điện thoại, thanh toán tiền điện, nước..., nhiều ví điện tử bắt đầu cung cấp tính năng tích lũy, mua bảo hiểm, đầu tư vàng, chi tiêu trước trả tiền sau tương tự thẻ tín dụng.
Trước những tính năng như vậy, chúng ta cần có cách sử dụng hợp lý và hiểu biết thật kỹ về công cụ tiêu dùng này.
Hiểu đúng
Đầu tiên, trước khi sử dụng, chúng ta cần phân biệt rõ ràng ví điện tử và ngân hàng số.
Về ngân hàng số, đây là công cụ được bảo chứng bởi ngân hàng truyền thống, bao gồm những dịch vụ tài chính của ngân hàng đó như thanh toán, tiết kiệm, vay vốn, phát hành và quản lý thẻ, dịch vụ tài chính khác..., nhưng được số hóa và tích hợp trên các thiết bị điện tử (điện thoại thông minh).
Trong khi đó, ví điện tử là nền tảng cung cấp dịch vụ tài chính trung gian, được xem cầu nối giữa các ngân hàng truyền thống và khách hàng thông qua dịch vụ thanh toán và giao dịch cơ bản.
Đáng lưu ý, ví điện tử không cung cấp trực tiếp các sản phẩm như thẻ, gửi tiết kiệm hay vay vốn, mà chỉ đóng vai trò trung gian trong việc cung cấp các dịch vụ của ngân hàng truyền thống.
Như vậy, ví điện tử nên được xem như một tiện ích giúp chúng ta nhắc nhở thanh toán tự động, thống kê chi tiêu hàng tháng, giao dịch không tiếp xúc..., chứ không có vai trò như tài khoản ngân hàng. Hàng tháng, sau khi nhận thu nhập, bạn có thể chuyển một phần tiền vào ví điện tử để kiểm soát tốt các khoản chi phí sinh hoạt mà không cần phải ghi chép.
Hiện nay, ví điện tử có rất nhiều đối tác trong mảng dịch vụ và giải trí, vì vậy chúng ta có thể sử dụng ví này cho hầu hết giao dịch hàng ngày tại các thành phố lớn.
Với riêng tôi, từ đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi không còn thói quen sử dụng tiền mặt mà giao dịch trên 80% nhu cầu sinh hoạt thông qua ví điện tử.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ thanh toán cơ bản, hiện nay, nhiều ví điện tử bắt đầu có các tính năng tương tự tài khoản ngân hàng như ví trả sau hoặc gửi tiền tiết kiệm. Tôi đánh giá đây là những tính năng tiện lợi và hữu ích nếu chúng ta sử dụng đúng cách.
Đầu tiên, nói về tính năng gửi tiết kiệm trên các ví điện tử hiện tại, đây là một giải pháp tối ưu nếu bạn xác định được rõ mục đích cho khoản tiết kiệm đó.
Tích lũy trong các ví điện tử thường không có sản phẩm tiền gửi và lãi suất đa dạng như ngân hàng truyền thống. Song, bạn có thể rút tiền tiết kiệm bất cứ lúc nào mà không sợ mất đi số tiền lãi đã tích lũy.
Nếu có một khoản dự phòng rủi ro có thể xảy ra trong ngắn hạn, bạn hoàn toàn có thể tận dụng chính sách rút tiền thoải mái của ví điện tử cho khoản tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng để tối ưu được mục đích dự phòng của mình.
Như tôi đã đề cập, các ví điện tử không cung cấp trực tiếp các sản phẩm tài chính mà chỉ là đơn vị trung gian quảng bá và gián tiếp cung cấp sản phẩm. Điều này có nghĩa tất cả những sản phẩm tích lũy tiền gửi trên ví điện tử thực chất là bạn đang tích lũy trên một sản phẩm của một tổ chức tài chính khác.
Việc tìm hiểu rõ sản phẩm, đơn vị trực tiếp cung cấp, cơ chế hoạt động của sản phẩm là những yếu tố cực kỳ quan trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Bên cạnh tính năng gửi tiết kiệm, nhiều ví điện tử còn cho phép khách hàng vay tiêu dùng. Nhưng tôi phải nhấn mạnh lần nữa: Ví điện tử là đơn vị trung gian, liên kết tính năng vay tiêu dùng giữa khách hàng và các tổ chức tài chính.
Vì vậy, chính sách lãi suất của các sản phẩm cho vay tiêu dùng này hoàn toàn phụ thuộc vào các tổ chức tài chính trực tiếp cung cấp sản phẩm.
Có một số lưu ý cơ bản với các khoản vay tiêu dùng "mua trước - trả sau" như sau:
- Giống như thẻ tín dụng, bạn chỉ nên sử dụng tính năng vay đối với những khoản chi cố định và có kiểm soát như chi phí sinh hoạt (điện, nước..), tiền chợ, tiền học cho con cái, tiền thuê nhà…
- Bạn tuyệt đối không nên dùng các sản phẩm này cho những khoản chi mang tính chất bộc phát và không tính toán trước. Bạn cần đảm bảo những khoản chi được giới hạn ngân sách nằm trong tỷ trọng cho phép so với thu nhập nhằm tránh những áp lực đáng tiếc trong tương lai.
Ví điện tử không điều khiển thói quen chi tiêu của bạn
Theo tôi, nếu một người có thói quen tiêu xài "vung tay quá trán", ví điện tử sẽ khiến họ tiêu tiền nhiều hơn. Nhưng nếu bạn biết cách chủ động sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, sẽ không có công cụ nào "thao túng" được bạn.
Sự chi tiêu không kiểm soát thực chất đã là vấn đề lớn của người trẻ trước cả khi những công cụ như ví điện tử ra đời. Nhiều bạn vốn chưa được tiếp cận với các phương pháp cũng như tư duy quản lý tài chính cá nhân thực tiễn và hiệu quả.
Tôi chia sẻ một vài cách chi tiêu hiệu quả phù hợp với người tiêu dùng trẻ tuổi, đặc biệt khi họ có sử dụng ví điện tử.
Đầu tiên, kế hoạch chi tiêu hiệu quả sẽ bắt đầu từ ngân sách. Ngay khi nhận khoản thu nhập tháng, bạn hãy tạo ngân sách cho các khoản chi tiêu của mình, phân bổ tiền vào 3 nguồn với thứ tự xử lý như sau:
- Đầu tư, tiết kiệm. Đây là số tiền dùng để đầu tư, dự phòng khẩn cấp. Khoản này có thể chiếm khoảng 10-30% thu nhập định kỳ hàng tháng của bạn, cần được cắt ra đầu tiên ngay khi bạn có được thu nhập.
- Chi tiêu cho giải trí. Đây là số tiền dùng cho việc ăn uống hàng quán, gặp gỡ bạn bè, mua sắm theo sở thích, du lịch... Mức tiền cho hạng mục này nên bắt đầu từ 15% thu nhập và không vượt quá 25%.
- Chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu: Số tiền còn dư lại từ thu nhập, bạn sẽ sử dụng để chi trả hết các khoản sinh hoạt phí cố định. Bạn không cần ghi chép quá chi li về việc hôm nay ăn gì, bao tiền, nhưng hãy ước lượng được tổng số hàng tháng và nắm bắt ngay vấn đề khi số tiền có biến động đáng kể. Nếu chi tiêu thiết yếu vẫn không hết tiền lương, bạn có thể đưa số tiền dư về 2 nguồn tiền nêu trên (đầu tư/tiết kiệm hoặc giải trí).
Thứ hai, sau khi đã lên kế hoạch dùng tiền, bạn sẽ cần một công cụ giúp kiểm đếm, thống kê chi tiêu một cách hiệu quả nhất. Lúc này, ví điện tử mới có thể phát huy vai trò của nó.
Rõ ràng, ví điện tử chỉ là một công cụ giúp cuộc sống chúng ta tiện lợi hơn. Tư duy và kỹ năng hoạch định tài chính của chúng ta mới là yếu tố cốt lõi quyết định sự hiệu quả cuối cùng của những công cụ ấy.