Google vừa đầu tư khoảng 300 triệu USD vào công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Anthropic, theo FT. Động thái trên biến đây trở thành gã khổng lồ công nghệ mới nhất rót vốn vào một thế hệ startup đang cố gắng khẳng định vị thế trong lĩnh vực AI trí tuệ nhân tạo.
Theo thỏa thuận, Google sẽ nắm giữ khoảng 10% cổ phần và đầu tư tài chính cho Anthropic. Động lực một phần đến từ việc các công ty công nghệ lớn cần quyền truy cập nền tảng điện toán đám mây để xử lý các mô hình AI khổng lồ do các nhóm như Anthropic phát triển.
Trước Google 3 năm, đối thủ Microsoft cũng đã rót 1 tỷ USD đầu tư vào OpenAI nhằm xây dựng một loạt hệ thống AI đột phá, trong đó nổi bật nhất là ChatGPT ra mắt hồi cuối năm ngoái. Được biết đây là mô hình trí thông minh nhân tạo có thể trả lời các câu hỏi của người dùng như một thực thể dưới dạng văn bản, khuấy đảo giới truyền thông và thu hút 1 triệu người dùng chỉ trong chưa đầy 1 tuần ra mắt.
Theo FT, cả OpenAI và Anthropic đều đang tìm cách phát triển AI tổng quát; các chương trình máy tính phức tạp có thể viết kịch bản và sáng tạo nghệ thuật trong vài giây. Trong khi Microsoft tìm cách tích hợp công nghệ của OpenAI vào nhiều dịch vụ, mối liên hệ của Anthropic với Google chỉ giới hạn ở việc cung cấp công nghệ trong cuộc đua AI.
Anthropic được thành lập vào năm 2021 bởi một nhóm các cựu nghiên cứu viên OpenAI. Trước đó, họ rời công ty vì lo ngại rằng khoản đầu tư đầu tiên của Microsoft vào OpenAI sẽ khiến hãng bị thương mại hoá và chệch hướng trọng tâm ban đầu về tính an toàn của AI tiên tiến.
Được biết Anthropic đã phát triển một chatbot thông minh có tên là Claude và cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT của OpenAI. Công ty khởi nghiệp huy động thành công hơn 700 triệu USD từ một số nhà đầu tư hồi cuối năm 2022, trong đó, Alameda Research, quỹ phòng hộ tiền số của người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried, đầu tư tới 500 triệu USD trước khi nộp đơn xin phá sản.
Theo các chuyên gia, việc Google đưa điện toán sử dụng nhiều dữ liệu của Anthropic tới các trung tâm dữ liệu là nhằm bắt kịp Microsoft - tập đoàn cho đến nay đã đạt quá nhiều bước tiến trên thị trường AI bùng nổ nhờ đầu tư vào OpenAI. Google cũng đang làm việc với các công ty khởi nghiệp khác như Cohere và C3 để cố gắng cải thiện chỗ đứng trong làng trí tuệ nhân tạo.
Trước đó, CEO Microsoft Nadella được cho là có ý định tích hợp công nghệ OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing cũng như nhiều dịch vụ khác của Microsoft. ChatGPT cũng sẽ xuất hiện trên Word, Powerpoint và tất cả sản phẩm của Microsoft như một cách soán ngôi ông vua tìm kiếm của Google.
“Microsoft đang mất dần sức hút với người dùng trẻ so với Google, nhất là khi ngày càng nhiều thanh thiếu niên coi Google Docs là lẽ đương nhiên. Bởi vậy Microsoft sẽ phải thay đổi hiện trạng này. ChatGPT sẽ là ‘viên đạn bạc’ thay đổi cuộc chơi giữa Google Docs và Microsoft Word”, Dan Ives, chuyên gia phân tích công nghệ của Wedbush Securities nói.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Google vẫn là trang web công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và có lẽ phải mất nhiều năm để một ứng dụng mới thay đổi được điều này.
Trước đó, đối mặt với sự bùng nổ của ChatGPT, Google buộc phải ra ‘Báo động đỏ’ hay ‘Code Red’, với ý nghĩa: ‘Hai tay đặt hết lên bàn phím! Nhân viên dù phải làm thêm giờ, bỏ ăn bỏ ngủ cũng phải giải quyết xong vấn đề’.
“Có thể trong 1 hoặc 2 năm nữa, Google sẽ bị ảnh hưởng hoàn toàn. AI sẽ loại bỏ trang kết quả của công cụ tìm kiếm - nơi Google kiếm được nhiều tiền nhất”, Paul Buchheit, một trong những người tạo ra Gmail chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các nhân viên nội bộ, lần bật báo động đỏ này chỉ mang tính ẩn dụ trước mối đe dọa của công cụ ChatGPT. Mục đích của Sundar Pichai - CEO của Google khi gióng lên hồi chuông cảnh báo này là: ‘Các anh phải coi mối đe dọa ChatGPT nghiêm trọng không khác gì việc Google Tìm Kiếm bị sập’. Tất cả nhằm ‘đánh thức’ nội bộ Google đừng ngủ quên chiến thắng.
Về lý thuyết, ChatGPT không có gì mới. Nó được phát triển dựa trên mô hình GPT3/GPT3.5 vốn đã có từ lâu. Tuy nhiên, trên thực tế, ChatGPT lại đạt được một kỳ tích mà các sản phẩm dựa trên GPT-3 khác không làm được: mức độ tiếp cận người dùng.
Được biết, ChatGPT đã trở thành sản phẩm đầu tiên trong giới học thuật AI được số đông người dùng phổ thông tiếp cận. Việc cư dân mạng chia sẻ các cuộc trò chuyện thú vị với ChatGPT trên khắp các nền tảng mạng biến đây trở thành chủ đề rất ‘nóng’.
Năm ngoái, Google phát hành mô hình ngôn ngữ lớn LaMDA (Language Model for Dialog Applications) và mô hình đa tác vụ đa phương thức MUM (Multitask Unified Model). Cả hai đều có các khả năng cơ bản giống ChatGPT, song khả năng tiếp cận người dùng lại không bằng.
Theo Forbes, Google hiện vẫn chưa dám mạo hiểm với các sản phẩm AI do còn e ngại vấn đề đạo đức trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, tập đoàn này cũng sợ ‘tự bắn vào chân mình’ bởi trong chatbot nói riêng hay khái niệm ‘dịch vụ hội thoại’ nói chung, điều cấm kỵ nhất là quảng cáo - lĩnh vực đem lại nguồn thu chính cho Google.
Theo: FT, Forbes