Chủ trương "Zero Covid-19" của Trung Quốc bất ngờ thay lại đang làm được điều mà cựu Tổng thống Donald Trump đã không thể đạt được trong nhiệm kỳ của mình, đó là dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi đất nước này lần đầu tiên sau 40 năm.
Trong năm 2018 và 2019, chính quyền Trump liên tục áp thuế cứng rắn đối với Trung Quốc để chống lại điều mà ông gọi là các thỏa thuận thương mại không công bằng với nước Mỹ.
Điều này làm thúc đẩy sự trả đũa từ Bắc Kinh và châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Thoát ly Trung Quốc
Nhiều công ty khi đó bắt đầu nghĩ về việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc từ trước như một cách để tránh xa các rủi ro địa chính trị nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch sản xuất chính.
Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, cộng với việc Trung Quốc triển khai một loạt biện pháp nghiêm ngặt theo chính sách “Zero Covid-19”, đã khiến các ông lớn buộc phải thay đổi nhằm giảm phụ thuộc vào một quốc gia trong chuỗi cung ứng.
"Bản thân những căng thẳng địa chính trị có thể không dẫn đến việc tổ chức lại chuỗi cung ứng ở mức độ này. Tuy nhiên, đại dịch thì chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa", Ashutosh Sharma, Giám đốc nghiên cứu của công ty thị trường Forrester, nói với Insider.
Gã khổng lồ công nghệ Apple chính là ví dụ tiêu biểu nhất về hậu quả sự phụ thuộc quá mức vào các dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Cụ thể, thời gian đợi hàng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max ở Mỹ và Trung Quốc đang ở mức lâu nhất từ trước đến nay do ảnh hưởng từ những bất ổn tại nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu. Cơ sở này với 200.000 công nhân chịu trách nhiệm sản xuất 45% sản phẩm cho Apple.
Apple đã phải giảm mục tiêu sản xuất từ 90 triệu thiết bị xuống còn 87 triệu chiếc. Sự cố cũng khiến Táo khuyết phải tăng tốc đẩy mạnh việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước châu Á khác nhằm giải quyết bài toán sản xuất.
Gã khổng lồ công nghệ đã yêu cầu các đối tác đẩy mạnh sản xuất ở những quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam.
Lựa chọn hàng đầu của Foxconn hiện nay là Ấn Độ. Các nhà sản xuất chip lớn trên thế giới nhiều khả năng cũng sẽ đưa ra lựa chọn tương tự, sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden vào hôm 7/10 công bố các quy định về xuất khẩu mới, bao gồm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận một số loại chip được sản xuất với thành phần từ Mỹ.
"Ấn Độ có lực lượng lao động lớn, lịch sử sản xuất lâu đời và sự hỗ trợ của chính phủ để thúc đẩy ngành công nghiệp và xuất khẩu. Vì điều này, nhiều công ty đang nghiêm túc xem xét liệu khả năng sản xuất của Ấn Độ có phải là giải pháp thay thế khả thi cho Trung Quốc hay không", Julie Gerdeman, CEO của nền tảng quản lý rủi ro chuỗi cung ứng Everstream, nhận định trên Insider.
Những thách thức của Ấn Độ
Dù hội tụ nhiều yếu tố tiềm năng để thay thế Trung Quốc nhưng Ấn Độ cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết trên con đường trở thành "công xưởng của thế giới".
Ấn Độ là một nền kinh tế lớn với dân số trẻ, yếu tố tiềm năng quan trọng để trở thành một cường quốc sản xuất. Tuy nhiên quốc gia Nam Á này cũng nổi tiếng với nạn quan liêu và cản trở từ bộ máy chính quyền địa phương.
“Ấn Độ khác xa với những nơi mà các doanh nghiệp có thể đến và mở một cửa hàng mà không vướng quá nhiều quy định nhiêu khê. Tôi chắc chắn rằng ở Trung Quốc cũng có những vấn đề đó nhưng họ có khả năng xử lý nhanh hơn", Sharma, một người sinh ra và lớn lên tại Ấn Độ, cho biết.
Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 63 trong danh sách 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng dựa trên mức độ thuận lợi trong kinh doanh vào năm 2019.
Mặc dù đây là một sự cải thiện vượt bậc so với vị trí 142 vào năm 2014, khi Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức, Ấn Độ vẫn tụt lại phía sau Trung Quốc, quốc gia đứng ở vị trí thứ 31 vào năm 2019.
Đây cũng là năm cuối cùng WB thống kê chỉ số này trước khi tạm ngừng thực hiện do vụ bê bối gian lận dữ liệu.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng có lịch sử bảo hộ mậu dịch khiến quốc gia này phần nào kém cạnh tranh hơn trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn.
“Khác với Trung Quốc có dây chuyền sản xuất ở quy mô lớn, hầu hết nhà máy ở Ấn Độ chỉ có quy mô nhất định do các quy định và biện pháp bảo vệ của liên bang được thiết kế dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Gerdeman cho biết.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không ngừng nỗ lực thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, nguồn vốn FDI của nước này đã lên mức kỷ lục 83,6 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.
Nguồn vốn dồi dào này đã giúp Ấn Độ liên tục xây mới nền tảng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa quốc gia này đã có thể soán ngôi của Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã xây dựng một chuỗi giá trị rộng lớn đến mức hầu hết mọi thứ cần thiết để tạo ra một sản phẩm đều có thể tìm và mua trong nước. Điều này cho phép đất nước tỷ dân sản xuất với chi phí thấp trên quy mô lớn.
Ngược lại, Ấn Độ chưa có khả năng này và cần phải mất nhiều năm để xây dựng chuỗi cung ứng ở mức độ như Trung Quốc đang có.
Sharma giải thích nguyên nhân nằm ở việc các nhà sản xuất luôn bắt đầu vận hành nhà máy với dây chuyền lắp ráp, trước khi bắt đầu phát triển dây chuyền cung cấp tại địa phương cho các thành phẩm trong quá trình "tích hợp ngược".
"Chuỗi cung ứng đó cần có thời gian để xây dựng. Ngay cả khi tìm được nguồn cung ứng nội bộ, nếu chất lượng ban đầu không tốt, quy mô không cao sẽ gặp phải những vấn đề đó", Sharma nói.