Theo Nikkei Asian Review, cô Gulbar, 25 tuổi, sống ở Herat (Afghanistan), là một người mẹ của 5 đứa con. Khi giá cả leo thang, cô cho biết không đủ tiền để nuôi cô con gái mới sinh.
"Chồng tôi chỉ kiếm được 1.000 AFN (tương đương 11 USD ) mỗi tháng. Mọi thứ ngày này đều đắt đỏ", cô than thở. "Tôi phải nuôi 5 đứa con bằng cách nào? Tôi thậm chí không còn sữa trong người", cô Gulbar tuyệt vọng.
Không đủ ăn
Lạm phát lương thực đang tác động tới mọi ngóc ngách trên thế giới. Nguyên nhân là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cả 2 đều là những nước xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, hàng triệu người Afghanistan vốn đã rơi vào cảnh túng quẫn vì chiến tranh, hạn hán và suy thoái kinh tế sau khi Taliban tiếp quản Kabul vào tháng 8/2021. Giờ, họ không còn khả năng chống đỡ.
Khi giá cả tăng cao, ước tính có khoảng 22,8 triệu người Afghanistan đang thiếu ăn.
"Giá hàng hóa tăng cao, cộng với thu nhập của 97% dân số sụt giảm, đã ảnh hưởng tới sức mua của người dân", báo cáo của sáng kiến IPC - bao gồm Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác - viết. Sáng kiến IPC nhằm cải thiện khả năng phân tích và đưa ra quyết định đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đã giảm nhẹ trong tháng thứ 2 liên tiếp, nhưng vẫn tăng 22,8% so với một năm trước đó.
Một báo cáo vừa được Liên Hợp Quốc công bố chỉ ra hơn 1 triệu trẻ em Afghanistan đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong năm nay, gấp đôi năm 2018.
"Giá tăng lên mỗi tuần, nếu không muốn nói là mỗi ngày", một giáo viên 34 tuổi than thở. Cô là trụ cột kinh tế duy nhất trong một gia đình 5 thành viên. Mỗi tháng, cô kiếm khoảng 10.000 AFN.
"Những ngày không còn tiền mua gì, chúng tôi đi ngủ với bụng đói, hoặc chỉ ăn một chút bánh mì và uống trà", cô kể lại.
Hãng thông tấn địa phương Khama Press đưa tin giá lương thực ở Afghanistan đã tăng gần gấp đôi trong 3 tháng qua. Một bao bột mì trước đây có giá khoảng 1.400 AFN, giờ đã lên 2.800 AFN.
"Doanh thu của chúng tôi lao dốc vì mọi người không đủ tiền để mua đồ ăn", một chủ cửa hàng ở quận Kote Sangi (Kabul) chia sẻ.
Tuyệt vọng và bất lực
Các thương nhân cho rằng lạm phát thực phẩm diễn ra do thiếu sự điều tiết về giá cả trên thị trường. Còn Taliban đổ lỗi cho phương Tây.
"Lạm phát lương thực diễn ra do áp lực kinh tế từ phía phương Tây. Họ đóng băng tài sản và áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với chúng tôi", Thứ trưởng Kinh tế Taliban Abdul Latif Nazari chỉ trích.
Sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã đóng băng gần 10 tỷ USD tài sản của Afghanistan, ngừng hỗ trợ phát triển và góp phần vào sự sụp đổ kinh tế của đất nước.
Vào tháng 2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo dỡ bỏ lệnh đóng băng đối với 7 tỷ USD tài sản. Khoảng một nửa trong số đó dành cho các gói cứu trợ trong nước, phần còn lại được giữ cho những vụ kiện tụng liên quan đến vụ tấn công ngày 9/11.
Nhiều tối, tôi không có gì cho các con ăn. Là một người mẹ, tôi cảm thấy bất lực. Tôi không thể ngủ khi nghĩ đến những gì có thể xảy ra với gia đình mình
Một giáo viên ở Kabul
Năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã phát động một chiến dịch nhằm giảm thiểu nạn đói thông qua đẩy mạnh các chương trình lương thực khẩn cấp. Những chương trình này hướng tới hàng triệu người Afghanistan.
Nhưng các tổ chức quốc tế đang gặp khó khi tình hình xấu đi nhanh chóng. Cùng với đó là giá cả trên toàn cầu leo thang.
Theo ước tính của IPC, hỗ trợ lương thực đối với các hộ gia đình sẽ chỉ đạt 8% dân số trong giai đoạn tháng 6-11, so với 38% trong giai đoạn hiện tại. Nguyên nhân là thiếu kinh phí.
Ông Farid Senzai - giáo sư khoa học chính trị và chính trị Trung Đông tại Đại học Santa Clara - cho rằng các vấn đề không chỉ nằm ở nguồn tài chính cạn kiệt, mà còn cả cuộc khủng hoảng thanh khoản.
"Các hạn chế nghiêm ngặt nhắm vào Afghanistan đã ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận tiền mặt của người dân. 3,5 tỷ USD mà Mỹ thu giữ từ những ngân hàng trung ương khiến việc tiếp cận tiền mặt càng trở nên khó khăn hơn", ông giải thích.
"Điều này khiến nền kinh tế càng thêm rối rắm và không thể hoạt động một cách hiệu quả", vị giáo sư nói thêm.
Khi được hỏi về giải pháp, Thứ trưởng Kinh tế Nazari cho biết Taliban có một kế hoạch 3 bước. "Đầu tiên, chúng tôi muốn thu hút đầu tư trong nước và quốc tế", ông chia sẻ.
"Đầu tư nhiều hơn sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn và cải thiện điều kiện kinh tế của người dân", ông Nazari giải thích.
"Thứ hai, chúng tôi muốn xây dựng cơ sở hạ tầng tự cung tự cấp, tăng cường sản xuất, củng cố nền kinh tế trong nước và tránh phải phụ thuộc vào các bên khác", ông nói thêm. Cuối cùng, ông cho biết muốn tăng viện trợ nhân đạo như một giải pháp ngắn hạn.
Giờ, người Afghanistan sợ rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với bản thân và gia đình họ.
"Nhiều tối, tôi không có gì cho các con ăn. Là một người mẹ, tôi cảm thấy bất lực. Tôi không thể ngủ khi nghĩ đến những gì có thể xảy ra với gia đình mình", người giáo viên ở Kabul tuyệt vọng.