Nội dung này được nêu tại tờ trình gửi Quốc hội ngày 15/5, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp cuối tuần trước. Điểm mới ở lần trình này là không giảm thuế 2% với tất cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10%, tương tự chính sách đã áp dụng năm 2022.
Theo đó, việc giảm thuế này sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là chính sách đã thực hiện trong năm 2022.
Động thái này được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh quý I/2023, GDP tăng 3,32%, thấp hơn nhiều mục tiêu và kịch bản đề ra (5,6%). Tăng trưởng chủ yếu ở khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản, còn công nghiệp vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng lại suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc lượng lớn công nhân do bị giảm hoặc không có đơn hàng, đời sống lao động khó khăn.
Ước tính, ngân sách hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế này về 8% trong nửa cuối năm nay, tức giảm 9.000 tỷ đồng so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ.
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%).
Đề xuất này mở rộng diện hàng hóa, dịch vụ giảm thuế VAT đã được áp dụng trong năm 2022 theo nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chính phủ giảm 20% mức tỉ lệ phần trăm để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.
Theo ông Phớc, với mức giảm 2%, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.800 tỉ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023, tương đương khoảng 35.000 tỉ đồng.
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nguyễn Vân Chi cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí sự cần thiết ban hành nghị quyết về giảm thuế VAT.
Việc này để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch COVID-19, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý 4/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn phương án bù đắp khoản giảm thu 35.000 tỉ đồng khi áp dụng việc giảm thuế. Bởi khoản giảm thu này chưa được tính toán trong gói chính sách của nghị quyết số 43 cũng như trong dự toán ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Việc giảm thuế VAT sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn.