22 tháng Chạp, Lê Chi (25 tuổi) vẫn đang đi công tác tại Quảng Trị. Chi là nhân viên của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán có trụ sở Hà Nội. Càng về cận Tết, lượng công việc càng nhiều, đây được coi là mùa cao điểm nhất trong năm của Chi. Đợt công tác này, cô đi liên tục tại các tỉnh miền Trung, bắt đầu từ ngày 10/1.
“Kể từ khi ra trường, đây là năm thứ 3 tôi không có thời gian đi sắm Tết rồi”, Chi nói với Tri Thức - Znews.
Nữ nhân viên văn phòng cho hay ở tất cả công ty kiểm toán Việt Nam, cuối năm luôn là thời điểm “kinh hoàng” nhất, công việc thường xuyên trong tình trạng quá tải, phải hoàn thành trong thời gian nhất định để kịp di chuyển đến đơn vị khác.
“Làm việc đến 19-20h, không nghỉ thứ bảy, chủ nhật là chuyện bình thường với tôi. Một số hôm cũng phải tăng ca đến 22h", Chi nói.
Khối lượng công việc lớn, lịch trình di chuyển dày đặc, Chi gần như không có thời gian nghĩ đến chuyện mua sắm Tết.
Không riêng Lê Chi, nhiều người cũng rơi vào cảnh không kịp mua sắm hay làm đẹp trước Tết vì quá bận rộn vào những ngày cuối năm. Không có thời gian ra cửa hàng lựa đồ, nhiều người chọn chốt đơn online, song cảnh quá tải của nhiều đơn vị vận chuyển những ngày qua khiến khách hàng thêm thấp thỏm.
Vừa chạy deadine, vừa sắm Tết
Ban đầu, Chi dự tính khi đến các tỉnh, cô sẽ tranh thủ đi shopping sau giờ làm. Nhưng cuối cùng, hết giờ làm, cô cũng “sập nguồn", chỉ muốn nghỉ ngơi. Hơn nữa, cô cũng không nắm rõ địa bàn để đi mua sắm.
Dần dà, việc mua sắm, tân trang bản thân dịp Tết trở thành việc phụ, chỉ khi nào có thời gian rảnh, Chi mới tranh thủ lướt các sàn thương mại. Nhưng đến giờ, cô mới chỉ order được ít bánh kẹo, đồ ăn vặt trong Tết. Những thứ thiết yếu trong gia đình, cô đành gửi tiền, nhờ bố mẹ sắm sửa hộ.
“May là tôi đã kịp làm tóc trước khi đi công tác một tháng. Còn trang phục, phụ kiện hay quà Tết, sau vài lần order thất bại, tôi định bụng ngày 28-29 tháng Chạp, khi về Hà Nội tôi sẽ đi mua sắm trực tiếp rồi về quê", Chi cho hay cô cũng lo những ngày này thường đông đúc, việc mua sắm không thuận tiện. Chưa kể sát Tết, các cửa hàng cũng hết đồ đẹp, hết size số.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Chi cho biết dù công việc bận rộn, cô cũng quen dần và chấp nhận đó là một phần cuộc sống. Bù lại, cô có mức thu nhập tạm coi là ổn, lại được đi đây đi đó.
“Tôi may mắn được bố mẹ thông cảm, chưa lập gia đình nên vẫn nhờ bố mẹ sắm Tết hộ. Còn về thời gian nghỉ ngơi, thay vì Tết, tôi tranh thủ đi du lịch trong những tháng thấp điểm giữa năm", Chi nói.
Lê My (Hà Nội) cũng rơi vào cảnh “hết hơi” chạy deadline những ngày giáp Tết. Càng sát ngày nghỉ lễ, số dự án cô cần giải quyết càng nhiều, không còn có thời gian để đi mua sắm.
“Vài tuần nay, tôi quay cuồng với công việc, cuối tuần cũng chưa xong. Còn hơn một tuần nữa đã là Tết, ngẩng mặt lên thì nhận ra mình chưa mua sắm hay kịp làm đẹp gì”, cô bày tỏ.
Những năm trước, My thường mua sắm sớm hơn. Nhưng năm nay, mới đổi sang công ty mới, cần làm quen nhiều thứ nên cô bận rộn hơn nhiều. Mỗi ngày, cô tan làm lúc 19-20h tối, gần như không có thời gian rảnh để làm gì khác.
“Hơn nữa, thời gian này mọi người cũng đổ xô đi sắm Tết nên đường xá, các cửa hàng lúc nào cũng đông nghẹt, kể cả ngày thường. Tôi rất sợ chen chúc nên chọn mua sắm online”.
Thấp thỏm khi đặt hàng online
Bắt đầu tìm mẫu áo dài mặc Tết từ cách đây hơn một tháng nhưng bị công việc “cuốn đi”, Lê My quên đặt hàng. Tới hôm 31/1, cô sực nhớ ra và chọn được mẫu ưng ý nhưng shop thông báo phải ra Tết mới giao được.
Cuối cùng, cô đành chốt đơn mẫu ở một shop khác, dù không ưng ý bằng. “Shop này ở Nam Định, gần Hà Nội nên tôi nhắn tin và được xác nhận sẽ kịp giao trước Tết. Dù vậy, nhìn thấy cảnh nhiều đơn vị vận chuyển quá tải, ùn ứ hàng những ngày qua, tôi vẫn thấp thỏm không biết có được nhận hàng đúng hẹn hay không”.
Hiện tại, My còn nhiều món đồ cần đặt hàng như túi xách, giày, quần áo. Nhưng nếu muốn mua, cô phải cân nhắc không chỉ là chất lượng và giá cả mà còn phải tìm shop ở gần, xem xét đơn vị vận chuyển để chắc chắn kịp có đồ diện Tết.
“Công việc đã áp lực, lên mạng mua sắm những ngày cận Tết còn căng thẳng hơn”, cô bày tỏ.
Giống như My, nhiều người lựa chọn đặt hàng hàng Tết online để tiết kiệm thời gian lẫn công sức. Tuy nhiên, không ít người như “ngồi trên đống lửa” khi đặt sát ngày do tình trạng quá tải chung của nhiều bên giao hàng.
Hơn một tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều bưu cục đã thông báo ngưng nhận đơn, sớm hơn nhiều so với lịch trình mọi năm. Điều này khiến cả người bán lẫn khách mua hoang mang, phải tìm cách xoay xở.
Lý giải nguyên nhân hàng hóa thường tắc nghẽn cận Tết, thạc sĩ Đỗ Quang Huy - chuyên gia TMĐT, Giám đốc công ty Ecotop - cho biết bên cạnh việc nhu cầu mua sắm tăng cao, hầu hết người tiêu dùng có tâm lý muốn nhận hàng trước Tết để kịp mang về quê.
Trong khi đó, các shipper cũng muốn nghỉ sớm để về quê với gia đình và có thời gian sắm Tết. Năm nay lại có thêm tuần rét, thời tiết khắc nghiệt nên ít người shipper muốn tiếp tục giao hàng ngoài đường.
Mặt khác, năng lực logistic của Việt Nam được đánh giá chưa tương xứng với quy mô thị trường thương mại điện tử. Bởi vậy, lưu lượng hàng hóa cuối năm luôn làm các đơn vị vận chuyển choáng ngợp.
Bên cạnh thời gian giao hàng kéo dài do quá tải, việc hàng hóa dễ bị thiếu sót hoặc thất lạc trong thời gian cao điểm Tết cũng là mối lo ngại của số đông người tiêu dùng.
Lan Hương đang làm việc tại TP.HCM, phải đến 25 tháng Chạp mới về quê Nghệ An nên cô chọn mua sắm quà Tết online và giao thẳng về nhà. Cách đây vài tuần, cô đã bắt đầu đặt quần áo cho bố mẹ, giỏ quà Tết hay bánh mứt được cô mua trên sàn thương mại như Shopee, TikTok, Lazada và trả tiền trước qua ví điện tử.
“Tôi thấy mua sắm kiểu như vậy rất tiện vì tới ngày về quê không phải lích kích mang theo nhiều quà cáp, đồ đạc. Tôi trả tiền trước, bố mẹ ở nhà chỉ việc nhận hàng”, Hương nói.
Tuy nhiên, có một vấn đề bất cập là cô không thể tự mình kiểm tra chất lượng hàng. Có lần, cô đặt bánh kẹo nhưng bị giao thiếu vì bố mẹ chỉ nhận hàng mà không biết cụ thể cô mua số lượng bao nhiêu.
“Tôi đành tặc lưỡi chấp nhận mất một phần hàng vì giờ sát Tết rồi, đổi trả cũng mất thời gian, số tiền cũng không nhiều. Dù vậy, tôi có phần khó chịu khi nhắn tin cho shop cũng không nhận được lời giải thích nào”, cô kể.
Dù có những bất cập, Lan Hương cho rằng mua sắm Tết online vẫn là lựa chọn tiện lợi với những người bận rộn. Rút kinh nghiệm, cô nói rằng sang năm sẽ đặt hàng sớm hơn để tránh cập rập, “rước bực vào người”.