Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc từ lâu có truyền thống phản ứng mạnh mẽ trước những chính sách gây bất lợi cho họ của các quốc gia khác.
Năm 2020, khi Australia kêu gọi tổ chức điều tra về nguồn gốc của virus Covid-19, Trung Quốc đã lập tức áp đặt thuế nhập khẩu lúa mạch, rượu vang, lúa mì, len, đồng, gỗ và nho với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ USD từ Australia.
Trước đó, năm 2018, sau khi bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei Technologies, bị bắt giữ tại Canada vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Bắc Kinh đã nhanh chóng bắt giữ hai người Canada tại Trung Quốc, đồng thời chặn hoặc làm chậm việc nhập khẩu một số loại nông sản của Canada.
Một số nước khác từng bị Bắc Kinh trả đũa nặng gồm có Nhật Bản, Mông Cổ, Na Uy, Philippines và Hàn Quốc.
“Trung Quốc luôn trả đũa đầy đủ và cộng thêm 10%. Họ có những mục tiêu nhất quán khi trả đũa. Đó là muốn gây ra nỗi đau tương xứng, đồng thời tránh tác động tiêu cực tới bản thân và muốn yêu cầu bồi thường”, ông Jeffrey Moon, chủ tịch China Moon Strategies nhận xét.
Tuy nhiên, những phản ứng tương đối im ắng của Bắc Kinh sau động thái quyết liệt của Mỹ gồm hạn chế xuất khẩu chip cao cấp và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc, thậm chí kêu gọi các đồng minh có hành động tương tự, được đánh giá là khá kỳ lạ.
Một loạt yếu tố dẫn tới phản ứng dè dặt
Vào đầu tháng 10, Washington công bố một loạt hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu chip mà không báo cáo, nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng và sản xuất chip cao cấp để hiện đại hóa quân đội. Các hạn chế bao gồm cấm xuất khẩu chip cao cấp và thiết bị sản xuất chip cao cấp cho Trung Quốc, đưa nhiều công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” thương mại…
Tuần trước, Mỹ đã đưa công ty sản xuất chip nhớ Yangtze Memory Technologies Company (YMTC) và 35 công ty Trung Quốc khác hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào danh sách trên. Washington cũng đang thúc giục Hà Lan và Nhật Bản đưa ra các lệnh cấm tương tự.
Lệnh cấm này là một đòn giáng nghiêm trọng có thể xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc, việc làm của người trẻ và tầm nhìn về một xã hội được định hình lại dưới đường lối của Đảng Cộng sản. Vì vậy, việc Trung Quốc chỉ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản ứng với lệnh cấm của Mỹ gây chú ý lớn.
Vài ngày sau tuyên bố của Mỹ vào đầu tháng 10, Bắc Kinh đã đưa ra phản ứng bằng lời nói, gọi các hạn chế của Mỹ là “cố gắng làm bá chủ về khoa học công nghệ” và vi phạm “một cách ác ý” các quy tắc thương mại. Tuy nhiên, nước này không có hành động trả đũa nào.
Theo các nhà phân tích, dường như có một vài yếu tố dẫn tới phản ứng như vậy của Trung Quốc.
Thứ nhất, nước này đang có rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Lệnh cấm của Mỹ được đưa ra một tuần đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc. Nước này cũng đang chật vật với cuộc khủng hoảng Covid-19 sau khi căng thẳng trong nước bùng nổ vì các biện pháp hạn chế Zero Covid hà khắc và số ca nhiễm tăng vọt. Cùng với đó, nước này cũng đang chuẩn bị cho một cuộc cải tổ chính phủ lớn vào tháng 3 năm sau.
Giới phân tích cho rằng một nguyên nhân khác dẫn tới phản ứng im ắng của Bắc Kinh có thể là sự chia rẽ về việc phản ứng ra sao giữa các quan chức Chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong ngành - bao gồm YMTC, Semiconductor Manufacturing International Corporation và Chang Xin Memory Technologies.
“Các quan chức Trung Quốc có thể vẫn đang xem xét toàn bộ tác động của các biện pháp hạn chế mới của Mỹ đối với các công ty quan trọng… và đưa ra phản ứng tập trung vào hỗ trợ ngành công nghiệp chip trong nước”, ông Paul Triolo, Phó chủ tịch cấp cao tại Albright Stonebridge Group, nhận định. “Bắc Kinh có thể cũng đang do dự về một biện pháp trả đũa lớn công khai trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Kennedy tới Trung Quốc vào đầu năm sau”.
Yếu tố thứ ba và có khả năng là quan trọng nhất dẫn tới phản ứng dè dặt của Trung Quốc có thể là đòn bẩy yếu của nước này. Phản ứng thường thấy khi trả đũa của Trung Quốc là chặn quyền tiếp cận của nước ngoài vào thị trường tiêu dùng khổng lồ của nước này. Tuy nhiên, phản ứng như vậy trong trường hợp này không mang lại nhiều hiệu quả.
Trung Quốc hiện rất cần chip cao cấp để dùng cho các mặt hàng xuất khẩu hoặc công nghệ quân sự chứ không phải cho sản phẩm nội địa. Do đó, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu xảy ra cuộc đối đầu “ăn miếng trả miếng” và bản thân Trung Quốc cũng khó gây ra thiệt hại tương tự cho Mỹ.
Dù có cơ chế luật pháp để gia tăng áp lực với các công ty đa quốc gia và chính phủ nước ngoài - bao gồm danh sách thực thể không đáng tin cậy, luật chống độc quyền và chống cạnh tranh, luật an ninh quốc gia, an ninh mạng và luật bảo mật dữ liệu - nhưng Bắc Kinh hiếm khi sử dụng những luật này để chống lại các công ty công nghệ.
Trên thực tế, việc ngăn chặn - hoặc đe dọa ngăn chặn - khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của Intel, Texas Instruments, Micron, Nvidia, Apple và các công ty Mỹ khác sẽ tiếp tục làm hạn chế nguồn cung cấp chip mà Trung Quốc đang cần. Điều này cũng sẽ khiến các công ty đa quốc gia trong những ngành công nghiệp khác ở Trung Quốc mất niềm tin.
Hơn nữa, hiện tại, Trung Quốc đang chật vật để thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng giảm tốc sau thời gian dài áp đặt hạn chế phòng dịch hà khắc và tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới tốt nghiệp đại học đang ở mức cao kỷ lục.
Không có nhiều lựa chọn để trả đũa
Một lựa chọn khả thi là ban hành lệnh cấm xuất khẩu hợp kim, đất hiếm, nam châm đất hiếm, lithium và các khoáng chất mà Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Nước này hiện nắm giữ 63% sản lượng khai thác đất hiếm trên thế giới, 85% sản lượng đất hiếm, 92% sản lượng nam châm đất hiếm và 60% sản lượng lithium.
Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn để đưa ra phản ứng mang tính chất trừng phạt tương xứng và tất cả các công cụ hiện tại của họ đều có nhược điểm lớn như gây nguy hại cho môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp nước ngoài. Với một nền kinh tế đang quay cuồng vì Covid, Bắc Kinh muốn tránh làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Paul Triolo, Phó chủ tịch cấp cao tại Albright Stonebridge Group
Các vật liệu này có vai trò quan trọng với nhiều sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại di động, tên lửa và máy bay tàng hình cho đến xe điện và tua-bin gió - những trọng tâm trong chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nhưng nếu làm vậy, Bắc Kinh có khả năng phải đối mặt với những hạn chế công nghệ thậm chí còn khắc nghiệt hơn từ Mỹ và hình ảnh toàn cầu của họ cũng chịu ảnh hưởng.
Khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sau năm 2006 với lý do môi trường và dọa ngừng xuất khẩu sang Nhật sau vụ va chạm gần các hòn đảo hai nước đang tranh chấp vào năm 2020, nước này đã vấp phải sự phản đối trên toàn cầu và bị Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu (EU) kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong vụ kiện này, Trung Quốc đã thua.
“Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn để đưa ra phản ứng mang tính chất trừng phạt tương xứng và tất cả các công cụ hiện tại của họ đều có nhược điểm lớn như gây nguy hại cho môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Triolo nói. “Với một nền kinh tế đang quay cuồng vì Covid, Bắc Kinh muốn tránh làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.
Thay vì trừng phạt để trả đũa, Bắc Kinh đã vạch ra chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Chính phủ đã thông qua các cơ chế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nội địa, tăng cường hỗ trợ với một gói tín dụng thuế và trợ cấp trị giá 143 tỷ USD trong vòng 5 năm, theo nguồn tin của Reuters.
Các nhà phân tích cũng dự báo Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh các nỗ lực nhằm thu hút chuyên gia nước ngoài, thu hút tài sản trí tuệ, mua chip và thiết bị sản xuất thông qua kênh “chợ đen”, đồng thời theo đuổi chiến thuật “chia để trị” nhằm thu hút các đồng minh dễ bị tổn thương hơn của Mỹ và tránh bị cô lập.
Trung Quốc lâu nay cũng có truyền thống âm thầm trừng phạt theo những cách khó xác định được, như trì hoãn quá trình cấp thị thực và làm chậm dòng chảy thương mại, thực thi các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe gây tranh cãi, hay ban hành những chính sách hạn chế dựa trên tiêu chuẩn môi trường hoặc tiêu chuẩn khó định lượng khác.
“Tôi cho rằng Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận âm thầm”, bà Xiaomeng Lu, giám đốc công nghệ địa chất tại Eurasia Group, nhận định. “Đây là cách phản ứng của họ đến nay”.