Giai đoạn cận kề Tết Nguyên đán, nhiều nhân sự chờ đón tháng lương thứ 13 và khoản thưởng Tết từ công ty. Tùy thuộc vào chính sách doanh nghiệp tại từng thời điểm và mức độ đóng góp của nhân viên, thông thường, mỗi người sẽ có mức thưởng cuối năm khác nhau.
Có trong niềm vui nhận thưởng, tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng mình phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định của pháp luật. Lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết đều sẽ được tính thuế.
Một số đơn vị, doanh nghiệp sẽ thay mặt người lao động đóng khoản thuế này cho cơ quan thuế. Vì vậy, khoản tiền lương, thưởng bạn nhận được sẽ là số tiền đã trừ đi phần tiền thuế TNCN.
Cuối năm, "núi" việc bủa vây, nhân sự làm thế nào kiểm soát và bảo vệ quyền lợi của mình khi giao phó trách nhiệm này cho doanh nghiệp?
Dưới đây, tôi sẽ đưa ra cho bạn những thông tin cơ bản mà bạn cần biết về thuế TNCN đối với khoản tiền thưởng Tết.
Thưởng Tết bao nhiêu phải chịu thuế TNCN?
Để biết mình có phải nộp thuế TNCN đối với khoản tiền thưởng Tết, lương tháng thứ 13 hay không, bạn cần xác định thu nhập tính thuế theo công thức:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - các khoản giảm trừ
Trong đó, thu nhập chịu thuế bao gồm thưởng Tết, lương tháng 13 cùng lương của bạn trong tháng đó (dương lịch).
Như vậy, thuế TNCN sẽ được tính trên tổng cộng thu nhập bạn nhận được trong tháng, không tính riêng biệt trên khoản thưởng Tết.
Đáng chú ý, thuế TNCN phụ thuộc lớn vào các khoản giảm trừ hợp lệ mà bạn có được.
Có 2 mức giảm trừ gia cảnh bạn nên lưu tâm, bao gồm:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc người nộp thuế: 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo đó, bạn sẽ không phải nộp thuế TNCN cho khoản lương, thưởng Tết của mình nếu con số này ít hơn 11 triệu đồng (sau khi trừ đi các khoản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện theo quy định).
Ngoài ra, nếu bạn có người thân mất khả năng lao động hoặc thu nhập dưới một triệu đồng, bạn được xác nhận có người phụ thuộc.
Trong ví dụ dưới đây, tôi sẽ phân tích cụ thể về các trường hợp nộp thuế TNCN đối với tiền lương và thưởng Tết của bạn.
Giả sử, trong tháng 1/2023, bạn đồng thời nhận được:
- Lương tháng 12/2022: 10 triệu đồng (sau khi trừ các khoản đi các khoản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, các khoản đóng quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện theo quy định).
- Thưởng Tết: 10 triệu đồng
- Lương tháng 13: 20 triệu đồng
Trường hợp 1: Bạn không có người phụ thuộc. Lúc này, thu nhập tính thuế = (10 triệu đồng + 20 triệu đồng + 10 triệu đồng) - 11 triệu đồng = 29 triệu đồng.
Như vậy, bạn phải nộp thuế TNCN bởi thu nhập trong tháng lớn hơn tổng mức giảm trừ gia cảnh.
Trường hợp 2: Nếu bạn có một người phụ thuộc. Lúc này, thu nhập tính thuế = (10 triệu đồng + 20 triệu đồng + 10 triệu đồng) - 11 triệu đồng - 4,4 triệu đồng = 24,6 triệu đồng.
Như vậy, bạn cũng sẽ phải nộp thuế TNCN bởi thu nhập trong tháng lớn hơn mức giảm trừ gia cảnh.
Cứ như vậy, bạn càng có nhiều người phụ thuộc, thu nhập tính thuế và nghĩa vụ thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của bạn sẽ càng giảm.
Được thưởng càng nhiều, mức thuế càng cao
Một thành phần quan trọng khác để tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công chính là thuế suất.
Hiện nay, có nhiều cách tính thuế TNCN, nhưng tôi xin đề cập phương thức tính đơn giản nhất cho các bạn trẻ:
Thuế TNCN từ tiền lương, tiền công = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Tiếp tục ví dụ mà tôi đã phân tích ở trên. Trường hợp bạn không có người phụ thuộc, có thu nhập chịu thuế 29 triệu đồng.
Lúc này, thuế TNCN bạn phải nộp được xác định như sau:
- Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%: 5 triệu đồng × 5% = 250.000 đồng
- Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%: (10 triệu đồng - 5 triệu đồng) × 10% = 500.000 đồng
- Bậc 3: Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%: (18 triệu đồng - 10 triệu đồng) × 15% = 1,2 triệu đồng
- Bậc 4: Thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%: (29 triệu đồng - 18 triệu đồng) × 20% = 2,2 triệu đồng
Như vậy, bạn phải đóng mức thuế TNCN = 250.000 + 500.000 + 1,2 triệu đồng + 2,2 triệu đồng = 4.150.000 đồng.
Trường hợp bạn có một người phụ thuộc, thu nhập chịu thuế 24,6 triệu đồng. Lúc này, thuế TNCN bạn phải nộp được xác định như sau:
- Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%: 5 triệu đồng × 5% = 250.000 đồng
- Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%: (10 triệu đồng - 5 triệu đồng) × 10% = 500.000 đồng
- Bậc 3: Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%: (18 triệu đồng - 10 triệu đồng) × 15% = 1,2 triệu đồng
- Bậc 4: Thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%: (24,6 triệu đồng - 18 triệu đồng) × 20% = 1.320.000 đồng
Như vậy, bạn phải đóng mức thuế TNCN = 250.000 + 500.000 + 1,2 triệu đồng +1.320.000 = 3.270.000 đồng.
Tóm lại, hiểu rõ về thuế TNCN sẽ giúp các bạn bảo vệ quyền lợi của bản thân trong việc đàm phán, thỏa thuận với doanh nghiệp khi nhận khoản tiền thưởng lớn nhất trong năm. Đồng thời, kiến thức này cũng giúp bạn tránh được các rủi ro về pháp lý trong nghĩa vụ đóng thuế.