Nhắc tới “ô tô của người giàu”, nhiều người thường nghĩ ngay đến những cái tên danh giá trong các bảng xếp hạng siêu xe đắt đỏ. Nhưng thực tế có một chút khác biệt khi Experian Automotive (công ty hàng đầu về trí thông minh dữ liệu tự động ứng dụng trong ngành xe hơi) thực hiện khảo sát của mình.
Đa số người giàu không lựa chọn xe sang
Theo một nghiên cứu năm 2022 của đơn vị này, rất nhiều người giàu có không lựa chọn lái những chiếc xe sang trọng. Nghiên cứu cho thấy đối với những người có thu nhập hộ gia đình trên 250.000 đô la (tương đương 5,9 tỷ đồng), 61% trong số họ cho biết, mình không lái một chiếc xe hàng hiệu.
Thay vào đó, 3 thương hiệu được phần lớn lựa chọn là: Toyotas, Fords và Hondas (Không xếp theo bất cứ thứ tự nào).
Không ít nghiên cứu khác cho thấy kết quả tương tự. Chẳng hạn, công ty nghiên cứu thị trường và trải nghiệm khách hàng MaritzCX cũng nhận thấy rằng, xe bán tải Ford F-150 là phương tiện phổ biến nhất ở Mỹ đối với những người có thu nhập hơn 200.000 đô la một năm.
Với mức thu nhập này, họ hoàn toàn có thể mua được một chiếc xe sang và nuôi chúng cho thỏa đam mê hoặc sở thích. Nhưng trên thực tế, ngay cả những người siêu giàu cũng không lựa chọn “vung tiền” mua những chiếc xe đắt đỏ nếu không cần thiết.
Mark Zuckerberg thường xuyên bị bắt gặp lái chiếc Honda Fit hatchback và Acura TSX. Là người đồng sáng lập Meta (trước đây là Facebook), vị tỷ phú này có tài sản ròng trị giá 49,5 tỷ USD theo Bloomberg. Thế nhưng, anh vẫn thích những chiếc xe khiêm tốn của mình, đơn giản vì nó “an toàn, thoải mái và không phô trương”.
Kể cả sau khi trở thành “ngôi sao sáng” trong làng công nghệ, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos vẫn lái chiếc Honda Accord quen thuộc.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett thậm chí còn “tiết kiệm” hơn thế khi lựa chọn ô tô. Ông thường lái một chiếc Cadillac XTS, được mua từ năm 2014 khi con gái ông nói rằng chiếc Cadillac DTS 8 năm tuổi của bố mình “tàn tạ” đến mức đáng xấu hổ.
Không có nhu cầu thể hiện
Chúng ta thường liên kết những người giàu có với lối sống xa hoa — hoặc ít nhất đó là ấn tượng mà chúng ta có được từ mạng xã hội.
Nhưng trong cuộc sống thực, không phải lúc nào cũng vậy.
Chuyên gia tài chính cá nhân Dave Ramsey chỉ ra rằng, đối với những người đã xây dựng được mức độ giàu có nhất định thường chỉ lái những chiếc xe “được đánh giá thấp” và “hầu như không hề ấn tượng." Nhóm này thường được ông định nghĩa bao gồm: Những người có khối tài sản ròng trị giá từ 1 triệu tới 10 triệu đô la.
Trong một tập của chương trình phát thanh The Ramsey Show, ông nói: “Thậm chí, họ có thể chọn một chiếc Camry hoặc một chiếc Honda đã qua sử dụng.”
“Đơn giản là vì họ chỉ mua xe cho bản thân, chứ không phải cho bạn. Họ càng không quan tâm bạn nghĩ gì. Họ không sống cuộc đời của mình chỉ để gây ấn tượng với người khác.”
Nói một cách đơn giản, họ không có nhu cầu thể hiện.
Bên cạnh đó, cố vấn tài chính người Mỹ Suze Orman cho rằng: Trong thời kỳ hiện nay, mua được một chiếc xe còn dễ hơn việc “nuôi” được chiếc xe đó. Khi các chi phí liên quan tới xe hơi ngày càng tăng lên, tự nhiên bạn sẽ muốn cắt giảm chi phí mua xe.
"Từ đó, mục tiêu của bạn sẽ là mua được chiếc xe rẻ nhất, tiện nhất và bền nhất tại thời điểm đó. Cuối cùng, bạn sẽ thấy mình đang tìm hiểu những chiếc xe đã qua sử dụng hơn là một chiếc xe mới cứng mà đắt đỏ," cô nói.
Những lý do khiến người giàu cũng “mê” xe hơi giá rẻ?
Để trả lời điều này, trước hết, bạn nên cân nhắc kỹ các vấn đề sau trước khi mua một chiếc xe sang trọng.
Đầu tiên là khấu hao. Ô tô bắt đầu mất giá ngay khi bạn lái xe ra khỏi đại lý. Theo US News, mức khấu hao trung bình của tất cả các loại xe trong 5 năm đầu tiên là 49,1%, trong khi các thương hiệu xa xỉ có thể mất nhiều hơn thế. Mức khấu hao trung bình trong 5 năm của một chiếc Mercedes S-Class là 67,1%. Đối với một chiếc BMW 7 Series, đó là một con số khổng lồ - 72,6%.
Hơn nữa, những chiếc xe sang trọng có thể tốn nhiều chi phí hơn cho các khoản bảo trì và bảo hiểm. Vì vậy, giá tiền mua xe chỉ là một trong những khoản mà bạn cần phải cân nhắc. Và một khi những chiếc xe sang của bạn hết hạn bảo hành, số tiền sửa chữa có thể khiến nhiều người “khóc thét”.
Đừng quên, còn phải xét đến chi phí cơ hội. Bạn càng chi nhiều tiền cho một chiếc xe đắt đỏ, danh mục đầu tư của bạn càng nhận được ít tiền hơn. Khoản lợi nhuận tiềm năng có thể tăng lên theo thời gian đó chính là chi phí cơ hội của bạn.
Chính những điều trên khiến không ít giới nhà giàu không còn quá “mặn mà” với những chiếc xe sang hà nhoáng, đắt đỏ. Đặc biệt, nhiều người chỉ thích dùng “tiền đẻ ra tiền” khi đầu tư cho những thương vụ có tiềm năng sinh lời, hoặc đơn giản là các món đồ xa xỉ khác có thể tăng giá trị theo thời gian.
*Theo Yahoo Finance