23h ngày 2/9, Trần Quý Luân (20 tuổi, sinh viên Đại học Nội vụ) kết thúc ca làm việc buổi tối trong một cửa hàng ăn ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Từ lúc lên đại học, Luân hiếm khi về quê mỗi dịp nghỉ lễ. Bởi với nhân viên phục vụ như anh, lễ chính là thời gian kiếm tiền tốt nhất, giúp Luân có được thu nhập bằng cả tháng trời.
"Khách đi ăn uống những ngày này thường hào phòng hơn bình thường, "boa" cho nhân viên rất nhiều. Lương của tôi không tăng, vẫn chỉ 20.000 đồng/giờ. Thế nhưng tôi lại nhận thêm nhiều chi phí đãi ngộ khác", Quý Luân vui mừng nói.
Lương gấp 4 lần ngày thường
Quý Luân cho biết thường làm việc ca tối 17-23h. Công việc của anh là nhận yêu cầu của khách, thông báo lại cho cửa hàng và mang đồ ăn ra. Trong ngày lễ, Luân làm nhiều việc hơn nhưng bù lại, thu nhập cao hơn rất nhiều.
Cụ thể ngày thường, Luân nhận được 120.000 đồng/ca và được khách tip thêm 100.000-200.000 đồng. Nhưng trong ngày lễ, Luân được khách tip 700.000-800.000 đồng và nhận thưởng thêm 300.000 đồng từ quán ăn.
Luân nhận nhiều ca trực thay cho phần việc của những nhân viên về quê khác. Trung bình một ngày, anh kiếm được 2 triệu đồng, bằng tiền lương của cả một tháng.
"Tôi không cảm thấy chạnh lòng khi phải ở lại thành phố làm xuyên ngày lễ. Mỗi dịp đặc biệt thế này, công việc không nặng thêm mấy nhưng tiền lương lại gấp 4-5 lần. Chưa kể dịp 2/9 năm nay kéo dài bốn ngày, hơi lỡ cỡ để tôi thoải mái về quê chơi", Luân vừa dọn dẹp vừa tranh thủ tâm sự.
Quê của Luân ở TP Bắc Giang, chỉ mất khoảng 2 giờ đi xe khách. Luân luôn dễ dàng về quê, do vậy anh cũng không quá quan trọng việc phải tranh thủ nghỉ lễ về thăm gia đình.
Trong khi đó, Thu Hiền (27 tuổi, huyện Hoài Đức) đang làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Nội cũng chung quan điểm tương tự.
Gia đình quen với hình ảnh Thu Hiền nghỉ lễ nhưng vẫn ôm máy tính làm việc từ sáng đến tối. Công việc của cô bận rộn, dường như chỉ có làm thêm dịp lễ mới giúp cô gái 27 tuổi bớt đi nhiều đầu việc khi quay trở lại công ty sau bốn ngày nghỉ.
"Công việc của tôi ngày nào cũng cần làm việc, giao tiếp với khách hàng. Cả bố mẹ lẫn chồng đều hiểu tôi đang làm những gì nên cũng rất cảm thông. Trung bình mỗi dịp lễ, tôi nhận được tiền lương tăng gấp ba so với bình thường", Hiền vừa gõ máy tính vừa tâm sự.
Thu Hiền cho biết năng suất làm việc dịp lễ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Bởi khách hàng và đồng nghiệp đều nghỉ ngơi nên không kiểm soát công việc nhanh như bình thường. Cô thường cố gắng báo trước thời gian làm việc, đồng thời hạn chế ảnh hưởng tối đa đến lịch nghỉ ngơi của họ.
Suy nghĩ thực tế
Nghỉ lễ phải về quê, nghỉ lễ phải nghỉ ngơi... dường như không còn là quan điểm được nhiều bạn trẻ theo đuổi.
Tận dụng việc nhận lương cao trong kỳ nghỉ lễ, nhiều người gắng ở lại thành phố làm thêm. Họ lựa chọn quãng thời gian này để làm việc nhiều hơn, vừa tăng thu nhập, lại giúp bản thân rảnh rang hơn trong những ngày đi làm tới.
"Tôi không có lý do nào cần về quê trong dịp này", Hải Chuyền (22 tuổi, TP Bắc Giang) đang làm gia sư tiếng Hàn tại Hà Nội tâm sự.
Hải Chuyền có hai ca dạy kéo dài 2 giờ trong dịp lễ, vào sáng 1/9 và sáng 3/9. Cô tự mở lớp riêng nên các ca dạy vẫn giữ nguyên chi phí, chỉ 200.000 đồng/lớp. Bù lại, Chuyền được gia đình học trò tặng nhiều quà vì đã ở lại dạy thêm.
Gia đình ở rất gần, Hải Chuyền dễ dàng về quê nên cô không định tận dụng ngày nghỉ lễ về thăm cha mẹ. Kể cả khi không có 2 ca dạy, Chuyền cũng muốn ở lại hoàn thành nốt các công việc cá nhân.
"Tôi cần chăm em trai cũng đang sinh sống ở Hà Nội. Hai chị em đều thống nhất ở lại suốt bốn ngày để làm cho xong hết việc của mình. Nếu nhớ gia đình, chúng tôi hoàn toàn có thể về quê bất cứ lúc nào, chỉ mất 2 giờ đi xe khách thôi mà", Chuyền tâm sự về lý do ở lại thành phố.
Tương tự, Hải Linh (21 tuổi, Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng có suy nghĩ rất thực tế về việc làm thêm. Cô tranh thủ dịp nghỉ 2/9 này để làm thêm các công việc bên ngoài, hẹn gặp các khách hàng mà trước đó cô chưa thể dành nhiều thời gian trò chuyện.
Công ty của Linh vẫn cho nhân viên nghỉ lễ, thế nhưng cô đã chủ động xin sếp cho làm online để tiện giải quyết các công việc cá nhân.
"Không phải chăm chỉ, mà tôi chỉ đang muốn hoàn thành hết những gì dở dang thôi. Tôi là người thực tế nên kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy", Hải Linh nói và tâm sự việc làm thêm ngày lễ đã được cô thực hiện từ thời sinh viên đến giờ.
Hải Linh cho rằng nên làm thêm trong dịp nghỉ lễ hay không là quyền của mỗi người. Nếu thấy việc làm thêm giúp công việc thuận lợi hơn thì hãy tranh thủ, sau đó qua dịp lễ, bạn có thể tích lũy thời gian nghỉ ngơi sau.
Hưởng lương thế nào khi đi làm ngày lễ?
Theo khoản 1, Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, quy định người lao động được hưởng 100% lương trong các ngày nghỉ lễ dù không đi làm.
Còn theo khoản 1, Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đi làm ngày lễ, hưởng lương theo công thức: Tiền lương một ngày + 300% lương ngày.
Như vậy, người lao động hưởng tổng cộng 400% lương/ngày nếu đi làm vào ngày được quy định là lễ, Tết.
Cơ chế tính lương như trên chỉ áp dụng cho ngày nghỉ lễ chính thức, không tính ngày nghỉ cuối tuần liền kề và ngày nghỉ bù.
Khi làm việc vào ban đêm trong dịp lễ (từ 22h đến 6h hôm sau), người lao động có thể hưởng thêm ít nhất 30% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Đồng thời, người làm ca đêm dịp lễ được trả thêm 20% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Giả sử đơn giá tiền lương hoặc tiền công của người lao động hưởng lương tháng vào ngày bình thường là A. Khi đó, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm dịp lễ 30/4 của người lao động ít nhất là: 300%A + 30%A + (20% x 300%A) = 390%A.
Cộng thêm việc được hưởng nguyên lương, nếu làm thêm vào ban đêm trong ngày lễ, tổng tiền lương mà người lao động có thể nhận được bằng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Về việc hưởng thêm những trợ cấp khác như tiền ăn trưa, hỗ trợ đi lại, Điều 104 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Như vậy, đây là khoản không bắt buộc phải có cho người lao động.