Khu đô thị Nam Thăng Long (tên thương mại Ciputra Hà Nội) nằm trên địa bàn 2 quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm, quy mô hơn 300ha, được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị Việt Nam (UDIC) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia). Đây là dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam từ trước đến năm 2007, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD.
Khu Ciputra nằm ở vị trí thuận lợi khi cách hồ Gươm hơn 10 km và cách sân bay Nội Bài 21,5km, nằm kề với đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài và bờ nam sông Hồng, cầu Nhật Tân nên có thể giao lưu thuận lợi với tất cả các khu vực khác của Hà Nội.
Khu đô thị Ciputra được khởi công vào năm 2002, theo quy hoạch, dự án gồm 50 tòa nhà cao tầng, 2.500 căn nhà ở thấp tầng (biệt thự) và các tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm và giải trí Ciputra Mall, bệnh viện, trường học cùng các dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hiện bên trong giai đoạn 1 khu đô thị là quần thể các bất động sản cao cấp như The Link Ciputra, Sunshine City, Grand Gardenville và các biệt thự. Trong đó giá trị giao dịch chuyển nhượng nhiều biệt thự ở đây lên tới 300-400 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, sau khi Ciputra Mall của Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long được chuyển nhượng cho Lotte và trở thành Lotte Mall Tây Hồ, đây là trung tâm thương mại hoành tráng nhất Hà Nội, được đầu tư đến 600 triệu USD. Nơi đây có diện tích sàn là 353.700 m2, gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, chung cư, văn phòng. Về quy mô, Lotte Mall Tây Hồ áp đảo hơn hẳn so với các cơ sở thương mại khác hiện đang hoạt động tại Hà Nội như trung tâm thương mại Royal City (230.000 m2), hay Aeon Mall Hà Đông (150.000 m2), Aeon Mall Long Biên (120.000 m2).
Khu Ciputra hiện là nơi sinh sống của hơn 7.000 cư dân, trong đó hơn 30% là người ngoại quốc. Ngoài ra, từ năm 2012, Ciputra đã phát triển dự án theo định hướng Văn hóa Sinh thái (Eco culture) thành phố xanh, trong đó chủ đầu tư dành 0,77 km2 diện tích dành cho cây xanh và mặt nước. Nơi đây cũng kiến tạo làn đường Sinh thái Eco-Path dài 7 km dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp.
Khu này cũng tập hợp hệ thống trường học theo chuẩn quốc tế, gồm 5 trường học: Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc (United Nations International School- UNIS), Trường Song ngữ quốc tế Hanoi Academy, Trường Quốc tế Singapore và Trường mầm non Sunshine House và trường mầm non Kinderworld Kindergarten.
Bên cạnh những dự án, tiện ích đã hoàn thành ở giai đoạn 1, một phần lớn diện tích giai đoạn 2 và 3 chưa được triển khai. Nhiều hạng mục dang dở, chậm tiến độ nhiều năm. Trong ảnh là toà tháp VietinBank đã dừng thi công khoảng 10 năm.
Các lô đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa được triển khai.
Trong 2 năm qua, Hà Nội đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 và 3 vì quy hoạch cũ được phê duyệt cách đây hơn 20 năm đã không còn phù hợp.