Cổ phiếu China Evergrande Group ngày 28/9 bị ngừng giao dịch tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, sau khi có tin Chủ tịch của công ty bất động sản Trung Quốc khổng lồ này đang bị cảnh sát giám sát. Những diễn biến này đẩy cao mối lo ngại về tương lai của Evergrande giữa lúc công ty đối mặt khả năng phải thanh lý tài sản vì kế hoạch tái cơ cấu nợ gặp trở ngại.
Ngày 27/9, hãng tin Bloomberg đưa tin tỷ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), người sáng lập Evergrande vào năm 1996, đã bị cảnh sát đưa đi vào một ngày trong tháng 9 này và hiện đang bị giám sát tại một địa điểm thuộc sự quản lý của cơ quan chức năng. Bản tin của Bloomberg không nêu rõ lý do ông Hứa bị giám sát.
Nguồn tin thân cận cho biết ông Hứa đã dừng liên lạc với cấp dưới trong mấy ngày gần đây, một nguồn tin khác trong ngành bất động sản nói vị tỷ phú đã hoàn toàn mất liên lạc. Tuy nhiên, đây có vẻ không phải là một vụ bắt giữ chính thức và ông Hứa không bị tạm giam, nên có khả năng ông sẽ không bị buộc tội.
Với số nghĩa vụ nợ lên tới hơn 300 tỷ USD, tương đương tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Phần Lan, Evergrande là doanh nghiệp bất động sản nặng nợ nhất thế giới. Công ty này được xem là “gương mặt đại diện” của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc - lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế nước này.
Cuộc khủng hoảng của Evergrande leo thang mạnh trong tuần này sau khi công ty tuyên bố không thể phát hành được nợ mới để thanh toán các khoản nợ cũ, vì một công ty con của Evergrande ở Trung Quốc đại lục đang bị điều tra. Kế hoạch tái cơ cấu nợ của Evergrande vì vậy đang đối mặt nguy cơ đổ bể.
Hôm 26/9, có tin một nhóm lớn gồm các chủ nợ nước ngoài của Evergrande đang kế hoạch gia nhập vào một vụ kiện đòi công ty này phải thanh lý tài sản nếu không đưa ra một kế hoạch mới cho việc tái cơ cấu nợ trước cuối tháng 10 năm nay.
Cổ phiếu Evergrande cùng các công ty con về dịch vụ bất động sản và ô tô điện niêm yết tại thị trường Hồng Kông đã tạm ngừng giao dịch từ phiên ngày 28/9. Trước đó, cổ phiếu Evergrande mới giao dịch trở lại từ cuối tháng 8 sau 17 tháng bị đình chỉ.
Chuyên gia Kay Hian của ngân hàng UOB nhận định trong một báo cáo rằng Evergrande “rất dễ thất bại trong việc tái cơ cấu nợ, từ đó có thể phải tiến hành tổ chức lại công ty và thanh lý tài sản”. Cũng theo báo cáo này, do số lượng lớn căn hộ chung cư mà Evergrande đã bán nhưng chưa hoàn thiện có thể đặt ra rủi ro đối với “ổn định xã hội”, nhiều khả năng Evergrande sẽ tìm cách tổ chức lại công ty.
Evergrande đã vươn lên thành một trong những công ty bất động sản lớn nhất của Trung Quốc thông qua hoạt động thâu tóm đất đai ồ ạt bằng các khoản vay và bán ra thị trường một số lượng căn hộ khổng lồ với tỷ suất lợi nhuận thấp. Chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá này đã đưa ông Hứa trở thành người giàu nhất châu Á vào năm 2017 - theo xếp hạng của tạp chí Forbes.
Evergrande là một trong những doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc đầu tiên rơi vào khủng hoảng khi thị trường chuyển xấu do Chính phủ nước này thắt chặt hoạt động cho vay để kiểm soát tình trạng phát triển quá nóng của ngành bất động sản. Cấu trúc của Evergrande và cách công ty này vận hành đã trở thành đối tượng theo dõi của cơ quan chức năng khi Evergrande bị đẩy tới bờ vực sụp đổ với các khoản nợ liên tiếp đáo hạn và hàng loạt dự án chưa hoàn thiện.
Một chủ nợ ở Thượng Hải nắm trái phiếu nhân dân tệ của Evergrande nói rằng tin ông Hứa bị cảnh sát giám sát không phải là điều gì đáng ngạc nhiên, xét đến loạt vấn đề lớn mà Evergrande đang đương đầu. Một câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Chính phủ Trung Quốc có giải cứu Evergrande và liệu ông Hứa sẽ chi bao nhiêu tiền túi để trả cho chủ nợ của công ty - vị chủ nợ đề nghị không nêu danh tính nói.
Gần đây, Country Garden - doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc xét về doanh số - đã vài lần thoát vỡ nợ nhờ thanh toán kịp thời các khoản đáo hạn. Tuy nhiên, với bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc còn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, giới quan sát không loại trừ khả năng Country Garden cũng sẽ vỡ nợ như Evergrande.
“Đổ vỡ ở những công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc là một điều đáng báo động. Cho tới các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đưa ra được các biện pháp kích cầu đủ để mang lại niềm lạc quan mới cho thị trường bất động sản, rủi ro vỡ nợ vẫn còn cao đối với các doanh nghiệp địa ốc nước này”, nhà quản lý danh mục Fiona Kwok của First Sentier Investors nhận định.