Trong khi đó, tình trạng hạn hán trầm trọng tại Trung Quốc cũng đã khiến cho quốc gia này phải cắt giảm sản xuất do nguồn cung điện khan hiếm. Liệu nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào trước những biến động trên?
Khủng hoảng khí đốt EU, ngành nào được lợi?
Khủng hoảng khí đốt EU đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở châu Âu. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu ở mức 340 EUR/MWh, tăng gần gấp đôi so với đỉnh đã tạo gần nhất vào tháng 3/2022 trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung dai dẳng. Nguồn cung cấp khi đốt Nga cho châu Âu qua Nord Stream giảm còn 20% công suất sau khi Gazprom tạm dừng hoạt động tuabin khí thứ 2. Thêm vào đó, một đợt hạn hán lịch sử gây ra bởi mùa hè khô cằn ở mức kỷ lục trên khắp châu Âu đe dọa đến nguồn cung năng lượng điện.
Theo ước tính của S&P Global Platts, do cơn bão giá nguyên liệu mà chủ yếu là khí thiên nhiên tăng vọt, châu Âu đã cắt giảm 1/4 công suất phân đạm và trong tương lai sẽ tiếp tục cắt giảm nhiều hơn nữa.
Theo cảnh báo từ Hiệp hội Phân bón Quốc tế, nông dân trên khắp thế giới có khả năng cắt giảm 7% lượng phân bón sử dụng vào mùa tới, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008. Điều này cũng có nghĩa là giảm đáng kể thu hoạch ngũ cốc và tăng đáng kể nguy cơ khủng hoảng lương thực.
Theo đánh giá của VnDirect, nhóm ngành có thể hưởng lợi ở Việt Nam gồm Khí - nhiệt điện khí và Phân bón, lương thực thực phẩm xuất khẩu. Cụ thể, việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt khiến giá khí neo ở mức cao, doanh nghiệp khí và điện khí có thể hưởng lợi từ giá bàn đầu ra tăng.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực là giá khí quá cao có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ nhập khẩu LNG về Việt Nam theo kế hoạch. Sản lượng điện khí huy động thấp do không có lợi thế cạnh tranh về giá và nguồn cung so với các loại điện khác.
Với nhóm Phân bón và Lương thực thực phẩm xuất khẩu, việc EU cắt giảm sản xuất phân bón có thể khiến giá phân bón tăng mạnh trong thời gian ngắn. Tình trạng này kéo dài có thể đẩy giá lương thực thực phẩm tăng mạnh. Doanh nghiệp trong nước hưởng lợi giá bán đầu ra tăng và gia tăng sản lượng xuất khẩu.
"Khủng hoảng lương thực toàn cầu nếu xảy ra sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao tiếp tục củng cố cho áp lực lạm phát và đồng thời ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi nền kinh tế toàn cầu, điều này tạo ra những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Trung Quốc thiếu điện trầm trọng, làn sóng FDI vào Việt Nam
Trong khi đó, tình trạng hạn hán trầm trọng tại Trung Quốc cũng đã khiến cho quốc gia này phải cắt giảm sản xuất do nguồn cung điện khan hiếm. Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 6 thập kỷ với nhiệt độ lên đến 40 độ C ở hàng chục thành phố. Nắng nóng gay gắt đã khiến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tại các văn phòng và gia đình tăng đột biến gây áp lực lên lưới điện.
Hạn hán cũng đã làm cạn kiệt mực nước sông làm giảm sản lượng điện sản xuất tại các nhà máy thủy điện.
Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp cấp độ 1 mức cao nhất trên thang xếp hạng. Ít nhất 50 máy phát điện di động từ các địa phương khác đã được huy động nhằm giúp ổn định mạng nguồn cung điện tại địa phương này. Cơ quan chức năng tỉnh này đã ngừng cấp điện cho một số xí nghiệp nhà máy. Toyota và Foxxcon buộc phải tạm dừng hoạt động sản xuất tại tỉnh Tứ Xuyên, địa phương với 84 triệu dân và là thủ phủ của ngành công nghiệp khai thác Lithium và sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.
Tứ Xuyên cũng là một trung tâm thủy điện quan trọng ở Trung Quốc, đã phải hứng chịu nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt kể từ tháng 7, lượng mưa trung bình đã giảm 51% so với cùng kỳ những năm trước. Ngoài ra, Tứ Xuyên là khu vực kinh tế lớn thứ sáu của Trung quốc về tổng sản phẩm quốc nội, trong đó ngành công nghiệp chiếm 28%. Tỉnh này đóng vai trò hàng đầu trong sản xuất kim loại silic, nhóm điện phân hóa chất thiết bị điện tử và thiết bị phát điện.
Việc thiếu điện ở Trung Quốc kết hợp với chính sách zero Covid có thể khiến kinh tế Trung Quốc càng trở nên yếu hơn, ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp và thiết bị điện tử, chip bán dẫn và sự dịch chuyển sản xuất sang các nước có nhiều tiềm năng hơn trong đó có Việt Nam.
Do đó, VnDirect cho rằng, tình hình kinh tế Trung Quốc xấu đi sẽ khiến làn sóng dịch chuyển FDI sang Việt Nam mạnh mẽ hơn, gia tăng đơn hàng và nhu cầu sản xuất công nghiệp, nhóm hưởng lợi chính là bất động sản công nghiệp, các ngành sản xuất công nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tái diễn, khiến cho giá các loại nguyên vật liệu đầu vào xây dựng, sản xuất tăng trở lại.
Bên cạnh đó, với nhóm hóa chất, Trung quốc hạn chế sản xuất chip bán dẫn có thể khiến nguyên liệu chip bán dẫn ngày càng thiếu hụt, giá cả tăng cao. Doanh nghiệp trong nước hưởng lợi giá bán đầu ra tăng và gia tăng sản lượng xuất khẩu.