Theo dữ liệu của Trading Economics, hôm 26/7, giá khí đốt tự nhiên tương lai của Mỹ lần đầu vượt ngưỡng 9,7 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu), mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.
Giá khí đốt tăng vọt sau khi gã khổng lồ dầu khí Gazprom PJSC của Nga cho biết sẽ tiếp tục giảm cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu.
Theo đó, kể từ sáng 27/7, lưu lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí một ngày, do họ phải đem một tuabin đi bảo trì.
Khó dự trữ đủ khí đốt
Tháng trước, công suất khí đốt chảy qua Nord Stream đã giảm xuống còn 40%. Gazprom nói rằng việc này là do phương Tây bàn giao chậm một tuabin được bảo dưỡng tại Canada. Tuabin này vẫn đang ở Đức do chưa hoàn tất giấy tờ.
Theo CNN, một quan chức Mỹ cho biết động thái của Nga nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Người này nhận định phương Tây đã bị đẩy vào tình thế chưa từng có. Không rõ châu Âu có thể dự trữ đủ khí đốt cho mùa đông hay không.
"Nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi đã thành sự thật", một quan chức Mỹ nói với CNN. Theo vị này, tác động đối với châu Âu có thể lan sang Mỹ, khiến giá khí đốt và điện tăng vọt.
Các quan chức Mỹ e ngại châu Âu có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng khi bước sang mùa đông. Bởi Liên minh châu Âu (EU) chỉ còn vài tháng để dự trữ khí đốt. Nhưng Nord Stream 1 chỉ hoạt động với một phần nhỏ công suất.
Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế - cảnh báo châu Âu đang ở trong tình thế nguy hiểm. Vị chuyên gia nhận định những tháng tới sẽ là "giai đoạn rất quan trọng" để gia tăng nguồn cung của khối. Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu mới chỉ đạt 65% sức chứa, còn cách xa mục tiêu 80% của EU.
Theo các quan chức Mỹ, để xoa dịu nỗi lo ngại của EU, Nhà Trắng đã cử ông Amos Hochstein - điều phối viên tổng thống về năng lượng toàn cầu - đến châu Âu vào ngày 26/7.
Ông Hochstein sẽ tới Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) để thảo luận với lực lượng đặc nhiệm năng lượng Mỹ - EU được thành lập vào tháng 3, một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Mỹ gấp rút trấn an
Mỹ và Brussels cũng kêu gọi các nước thành viên EU tiết kiệm và dự trữ khí đốt cho mùa đông. Hôm 26/7, giới chức châu Âu thông qua kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt với đa số phiếu ủng hộ.
Theo kế hoạch, 27 quốc gia thành viên sẽ phải tự đặt ra các mục tiêu nhằm giảm 15% nhu cầu khí đốt trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.
EU cũng đang giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Theo công ty nghiên cứu Bruegel, khí đốt của Nga chiếm 20% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong tháng 6, giảm mạnh từ mức 40% hồi năm ngoái. Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - đã giảm tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của Nga từ 55% xuống 35%.
Các quan chức Mỹ cho biết sẽ thảo luận với châu Âu về kế hoạch tăng sản lượng điện hạt nhân trên khắp châu Âu nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt khí đốt. Washington cũng kêu gọi Berlin kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhận định việc châu Âu cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt và tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) khó có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ gọi những động thái mới nhất của Nga là "sử dụng khí đốt tự nhiên như một vũ khí chính trị và kinh tế".
"Hành động cưỡng chế năng lượng của Nga đã gây áp lực lên thị trường năng lượng, chuyển chi phí cho người tiêu dùng và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu", người này nhấn mạnh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác châu Âu để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, cũng như hỗ trợ những nỗ lực của họ trong việc đối phó với tình trạng bất ổn trên thị trường năng lượng do các động thái từ phía Moscow", đại diện Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh.