Hi vọng bị dập tắt
Đầu năm nay, dường như điều tồi tệ nhất với San Francisco đã qua đi. Các lập trình viên hào hứng quay trở lại từ Lake Tahoe và Miami, ChatGPT do OpenAI tạo ra làm mưa làm gió trên toàn thế giới. Khu trung tâm từng vắng tanh vì đại dịch giờ đây đã tấp nập trở lại.
Sức sống đang trở lại với thành phố giàu thứ hai nước Mỹ, nơi sinh sống của 62 tỷ phú và hàng trăm triệu phú, nổi tiếng với thung lũng Silicon tràn đầy sáng tạo.
Nhưng 1 rắc rối mới lại phát sinh. Chỉ trong vài tuần, thành phố vốn nổi tiếng là trung tâm công nghệ bỗng trở thành trung tâm của thứ xưa cũ hơn nhiều: cuộc khủng hoảng ngân hàng rúng động thế giới, có nguy cơ lan rộng thành 1 cuộc khủng hoảng tài chính.
Sự sụp đổ chóng vánh của Silicon Valley Bank (SVB) tác động nghiêm trọng đến thành phố bởi đây là ngân hàng cấp vốn cho nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp - bộ phận tạo nên sức sống cho nền kinh tế San Francisco.
Ngay sau đó, First Republic Bank, ngân hàng đã có mặt ở đây được gần 40 năm, chứng kiến cổ phiếu lao dốc không phanh do nhà đầu tư lo ngại nó sẽ trở thành cái tên tiếp theo.
Giờ thì San Francisco, nơi luôn xuất hiện những thứ mới mẻ hứa hẹn sẽ tạo ra những cuộc cách mạng, đang chật vật tìm đường cho tương lai. Với dòng tiền rẻ từng giúp ngành công nghệ và tài chính của thành phố bùng nổ trong thời gian vừa qua giờ không còn nữa, San Francisco đang đối mặt với một loạt thách thức chưa từng trải qua trong lịch sử.
Sau 1 thập kỷ bùng nổ, khu vực Bay Area chật vật trải qua năm 2022 đầy khắc nghiệt với lãi suất tăng và thị trường chứng khoán lao dốc. Đà hồi phục mong manh của những tháng đầu năm 2023 có nguy cơ bị dập tắt bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng và làn sóng sa thải ồ ạt. Từ Twitter, Salesforce đến Meta đã thông báo sa thải hàng chục nghìn nhân viên.
Cuối tuần trước, chính quyền thành phố đưa ra dự báo trong 2 năm tài khóa tiếp theo San Francisco có thể thâm hụt ngân sách 780 triệu USD, tăng thêm hơn 50 triệu USD so với mức dự báo hồi tháng 1.
Những văn phòng trống trơn
Tỷ lệ văn phòng trống ở các con phố trung tâm đã tăng lên mức kỷ lục 29,5% trong quý I. Trước đại dịch, tỷ lệ chỉ là 4%. Michael Covarrubias, CEO của công ty bất động sản TMG Partners, cho hay: “Chúng tôi chưa bao giờ có nhiều văn phòng trống đến vậy. Thị trường hứng chịu tới 3 “cú đấm”: đại dịch, làn sóng làm việc tại nhà và sau cùng là khủng hoảng ngân hàng”.
Có thể nhìn thấy rõ các tác động tại khu vực Mid-Market của San Francisco. Nơi đây từng được coi là biểu tượng của thời đại mới sau khi thành phố sử dụng chính sách ưu đãi thuế hậu hĩnh để thu hút Twitter tới đặt trụ sở vào năm 2011, tại số 1335 phố Market.
Giờ thì Twitter vừa mới bị kiện vì không trả tiền thuê văn phòng đúng hạn. Quán café bên trong tòa nhà đã đóng cửa. Nhiều công ty thuê văn phòng ở gần đó như Uber, Block và Reddit đã rời đi hoặc giảm diện tích thuê. Văn phòng giao dịch của JPMorgan Chase tại góc đường cũng đóng cửa. Máy ATM của Wells Fargo ở bên kia đường đã bị chuyển đi.
“Chúng tôi từng tấp nập khách hàng, phục vụ không xuể bất kể sáng, trưa, tối. Giờ thì chưa phải đóng cửa đã là may mắn”, Heidi Colin, thu ngân của cửa hàng pizza đặt tại tầng 1 nói.
Nhiều công ty ở San Francisco khuyến khích nhân viên làm việc từ xa. Lượng khách sử dụng hệ thống tàu điện tốc hành BART ở thời điểm hiện tại chỉ bằng khoảng 40% so với trước dịch, khiến nguồn thu ngân sách sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí còn dẫn đến nguy cơ cắt giảm dịch vụ vì quá ít khách.
Đối với thị trưởng London Breed, vực dậy San Francisco là nhiệm vụ sống còn. Bà đang vận động để nới lỏng quy định nhằm cho phép chuyển đổi các tòa nhà văn phòng thành nhà ở. Bà cũng nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế thành phố với chính sách ưu đãi thuế để thu hút các ngành khác ngoài công nghệ.
Đã có một vài tia sáng. Lượng du khách đến San Francisco tăng 29%, lên 21,9 triệu trong năm 2022. ChatGPT làm dấy lên hi vọng AI sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế mới. Tỷ lệ thất nghiệp của thành phố ở mức 2,8% trong tháng 2, thấp kỷ lục và cũng thấp hơn mức trung bình 3,6% trên toàn nước Mỹ.
Niềm hi vọng lớn nhất
Và niềm hi vọng lớn nhất là cuộc khủng hoảng ở SVB sẽ không lây lan.
Trước khi làn sóng công nghệ tràn đến Bay Area, San Francisco vốn có ngành ngân hàng rất phát triển. Được mệnh danh là “phố Wall của phía Tây”, thành phố đóng vai trò là trung tâm tài chính trong cơn sốt vàng ở California. Các ngân hàng tư nhân ở đây chấp nhận khách gửi vàng và phát hành đồng tiền của riêng họ trước khi Mỹ thành lập Cục in tiền.
Tuy nhiên lĩnh vực tài chính đã thu hẹp đáng kể. Năm 2019 ngành này chỉ đóng góp khoảng 16% nguồn thu thuế của thành phố. Đầu năm 2021, công ty môi giới chứng khoán Charles Schwab chuyển trụ sở tới Texas, sự kiện được coi là ví dụ cho thấy San Francisco không thể giữ chân các công ty dù đó là quê hương của họ.
Năm 1852, Wells Fargo ra đời tại đây. Đến nay ngân hàng vẫn đặt trụ sở ở San Francisco, nhưng New York ngày càng chiếm vị trí quan trọng hơn với CEO Charlie Scharf ngồi ở đó.
Vụ sụp đổ của SVB hôm 10/3 khiến toàn Bay Area chấn động. Không chỉ cấp vốn cho cộng đồng công nghệ, ngân hàng này còn phục vụ nhiều ngành khách từ năng lượng mặt trời đến rượu.
First Republic Bank cũng gắn bó chặt chẽ với kinh tế San Francisco, cung cấp dịch vụ ngân hàng tư nhân cho người giàu, khoản vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và nhiều khoản vay thế chấp cho những người muốn mua nhà ở thành phố đắt đỏ này. Các khách hàng ở Bay Area chiếm 40% trong tổng số 176 tỷ tiền gửi tại đây.
Janice Jensen, CEO của Habitat for Humanity, đã gắn bó với First Republic hơn 15 năm nay. Tuy nhiên bà vẫn quyết định rút tiền đi vì lo sợ ngân hàng sụp đổ. Đó là quyết định sáng suốt nhưng thực sự khó khăn về mặt cảm xúc, bởi First Republic đã giúp bà tránh được việc phải sa thải nhân viên trong đại dịch.
San Francisco còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Những vấn đề còn tồn đọng lâu năm như sự an toàn, lượng người vô gia cư lớn và giá nhà đắt đỏ vẫn chưa được giải quyết. Sau đại dịch, một xu hướng làm xói mòn vị thế của thành phố đang nổi lên: người ta có thể chuyển đến bất cứ đâu mà vẫn đảm bảo công việc. Khi mà có thể chuyển đến bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ cũng có thể được hưởng mức chi phí sinh hoạt thấp hơn ở Bay Area, trong khi công việc hoàn toàn có thể làm từ xa, sức hấp dẫn của San Francisco đã giảm đi đáng kể.
Thị trưởng Breed biết rõ những điều này. Trong bài phát biểu hồi tháng 2, bà chỉ ra những khó khăn mà San Francisco từng gặp phải, từ trận động đất năm 1906 đến bong bóng dot-com, để khẳng định dù khó khăn đến đâu thì thành phố của bà vẫn sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn bao giờ hết.