Vào tháng 5/2021, cô Cherry, một sinh viên ngành công nghệ ở Vũ Hán nhận được lời mời thực tập tại một hãng phần mềm lớn. Doanh nghiệp này hứa hẹn cô sẽ được làm chính thức ngay khi tốt nghiệp.
Thế nhưng mới đây, ngay khi Cherry sắp tốt nghiệp thì công ty thông báo họ phải cắt giảm chi phí và hủy bỏ cam kết với cô. Trường hợp của Cherry không phải ngoại lệ khi nhiều sinh viên tại Trung Quốc cũng lâm vào cảnh tương tự.
Theo hãng tin CNN, những mảng trước đây hấp thu nhiều việc làm tại Trung Quốc như công nghệ, giáo dục, bất động sản thì nay đều đang phải thu mình lại vì gặp rắc rối. Hệ quả là sinh viên ra trường ngày một nhiều nhưng chẳng có việc làm.
Từ cuối năm 2020, chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt quản lý nhiều ngành kinh tế tư nhân, đi kèm với đó là ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã khiến toàn bộ thị trường lao động ảnh hưởng.
“Những sinh viên mới tốt nghiệp như chúng tôi là đối tượng bị sa thải đầu tiên bởi chưa có nhiều đóng góp cho công ty”, cô Cherry nói với hãng tin CNN.
Theo CNN, Trung Quốc sẽ có khoảng 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp trong năm 2022, mức cao kỷ lục và nền kinh tế đang giảm tốc này không thể hấp thu hết.
Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục thời gian gần đây, từ 15,3% tháng 3/2022 lên 18,2% tháng 4 và 19,9% tháng 7. Dù con số đã giảm nhẹ xuống 18,7% trong tháng 8 nhưng vẫn ở mức đáng báo động.
Tính toán của CNN cho thấy khoảng 20 triệu thanh thiếu niên độ tuổi 16-24 ở các thành thị không có việc làm.
“Đây rõ ràng là cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất của giới trẻ Trung Quốc trong hơn 40 năm”, chuyên gia Willy Lam của Tổ chức Jamestown tại Washington nhận định.
Theo ông Lam, tăng trưởng kinh tế và có việc làm là 2 yếu tố quan trọng đảm bảo được sự ổn định xã hội tại Trung Quốc.
Từ con cưng hóa con ghẻ
Hãng tin CNN cho biết không có cuộc khủng hoảng lao động nào hiện nay nghiêm trọng bằng trong ngành công nghệ. Động thái siết chặt kiểm soát những tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, đi kèm với xung đột Mỹ khiến nhiều hãng công nghệ như Huawei chịu ảnh hưởng đã gây ảnh hưởng lan rộng trên thị trường việc làm.
Xin được nhắc là mỗi thương hiệu lớn của Trung Quốc đều có cả 1 hệ sinh thái và liên quan đến vô số nhà máy, công ty con cung ứng.
Ngành công nghệ từng được coi là nguồn cung ứng chính cho những việc làm lương cao của giới trẻ nhưng giờ đây tốc độ cắt giảm việc làm lại cao chưa từng thấy.
Tập đoàn Alibaba, biểu tượng của thương mại điện tử Trung Quốc mới đây đã báo cáo tăng trưởng doanh thu đi ngang, điều lần đầu tiên diễn ra kể khi thương hiệu này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng 8 năm về trước.
Trong 6 tháng đầu năm nay, hãng đã cắt giảm hơn 13.000 lao động. Đây là đợt cắt giảm nhân viên lớn nhất của Alibaba kể từ khi hãng niêm yết trên sàn New York vào năm 2014.
Tương tự, một ông lớn khác là Tencent cũng sa thải gần 5.500 nhân viên trong quý II/2022, một cú sốc lớn với nhiều người trong hơn 10 năm qua.
Chuyên gia Carig Singleton của tổ chức FDD tại Washington nhận định đây là một tín hiệu đáng lo ngại bởi trong ngành công nghệ, việc không phát triển đồng nghĩa với “chết”, nhất là khi hàng loạt đối thủ tận dụng được thời cơ để lấy thị phần hoặc vượt lên về kỹ thuật.
Ảnh hưởng lan rộng
Công nghệ không phải ngành duy nhất chịu ảnh hưởng. Hãng tin CNN cho biết xu thế sa thải hàng loạt tại Trung Quốc đã lan rộng từ mảng giáo dục cho đến bất động sản. Trong khi chính sách cấm dạy thêm khiến vô số sinh viên Trung Quốc mất nguồn thu thì ở mảng bất động sản, bong bóng thị trường và việc siết kiểm soát các doanh nghiệp nhà đất khiến họ phải cắt giảm chi phí nhân lực.
Không dừng lại đó, ngành ngân hàng cũng chịu chung số phận khi nhiều doanh nghiệp bất động sản vay vốn để kinh doanh. Thậm chí, những vụ bê bối của các ngân hàng địa phương khiến nhiều người mất tiền càng làm tình hình trầm trọng hơn.
Theo CNN, ngày càng nhiều người mua nhà Trung Quốc hiện đã từ chối thanh toán những khoản vay thế chấp bất động sản do dự án không được hoàn thành đúng tiến độ. Thế rồi những cuộc biểu tình đòi lại tiền từ ngân hàng địa phương với sự tham gia của hàng nghìn người đã cho thấy những dấu hiệu bất ổn.
Chuyên gia George Magnus của trường đại học Oxford nhận định tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ hiện đang là một quả bom nổ chậm tại Trung Quốc và các nhà lãnh đạo đều nhận thức rõ được điều này.
Hiện Trung Quốc đang khuyến khích những bạn trẻ về quê kiếm việc thay vì bám trụ lại thành phố. Vào tháng 6/2022, hàng loạt bộ, ban ngành tại Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền địa phương có chính sách ưu đãi thuế, cho vay hay thu hút những sinh viên mới tốt nghiệp về làm cán bộ ở những làng quê hoặc khởi nghiệp ở đó.
Theo CNN, các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc có thể chỉ đạt 3% hoặc thấp hơn. Ngoài trừ năm 2020 có đại dịch thì năm 2022 có thể là giai đoạn trưởng chậm nhất của Trung Quốc kể từ năm 1976.
*Nguồn: CNN