Black Friday được cho là cơn “bão giảm giá” lớn nhất trong năm. Do đó, thay vì săn mua các món đồ khuyến mại giá trị nhỏ, Black Friday hàng năm là dịp người tiêu dùng ưu tiên mua hàng của các thương hiệu lớn trên thế giới và Việt Nam, được nhiều người công nhận về chất lượng. Các năm trước, nhiều khách hàng chú ý tới các sản phẩm trong lĩnh vực thời trang, công nghệ, đồ điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng...
Các mặt hàng không thiết yếu tiêu thụ chậm
Thực tế những ngày này, tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Xuân Thủy, Trần Duy Hưng, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng... nhiều cửa hàng thời trang, công nghệ, đồ gia dụng, trung tâm điện máy… đều treo biển khuyến mại sâu dịp này. Ở mảng thời trang, các thương hiệu lớn như Nem, Format, Dichic, Lining… đến những nhãn hàng bình dân như: Tokyolife, M2, Yody… đều trưng biển giảm giá 50 - 70%, thậm chí là 90% để kích cầu tiêu dùng, thu hút khách hàng.
Tất bật chuẩn bị hàng hóa, lên danh sách các mặt hàng để chuẩn bị khuyến mãi, một cửa hàng thời trang cho biết, năm nay người tiêu dùng hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng thời trang, vì vậy giai đoạn cao điểm này, doanh nghiệp sẽ bắt đầu các chương trình khuyến mãi đến 70%. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ bán các sản phẩm có tính sử dụng lâu dài cho mục đích tiết kiệm của khách hàng. "Người tiêu dùng năm nay chi tiêu dè dặt hơn, cẩn thận hơn. Vì thế, chúng tôi đã ra các dòng sản phẩm đặc biệt, làm từ chất liệu cà phê, mang tính bền vững, có lợi cho môi trường", bà Trịnh Hà Anh, Quản lý Truyền thông thương hiệu Routine, chia sẻ.
Tại các trung tâm thương mại, các khu vực tập trung nhiều gian hàng thời trang, đồ xa xỉ… đến nay vẫn vắng lặng dù đã treo biển giảm giá "khủng" để thu hút người mua. “Dù sát ngày Black Friday rồi nhưng không khí tại cửa hàng cũng như tại trung tâm thương mại này vẫn im ắng như ngày thường. Nói chung, khó có thể thấy lại được cảnh dòng người chen chân, xếp hàng chờ thanh toán như mọi năm”, chị Hoàng Thu, nhân viên bán hàng tại tầng 2 một trung tâm mua sắm trên địa bàn quận Hà Đông nói.
Tương tự tại TP.HCM, các trung tâm thương mại lớn như: Vincom Center Đồng Khởi (Q.1),Vạn Hạnh Mall (Q.10), GigaMall (TP.Thủ Đức), Takashimaya (Q.1), cửa hàng kinh doanh thời trang, mỹ phẩm, vali, túi xách đều có chính sách khuyến mãi, giảm giá dịp Black Friday. Tại đây, không khó tìm thấy các biển quảng cáo “sale Black Friday” với mức giảm từ 30% đến 90% kèm theo nhiều quà tặng hấp dẫn. Những tấm bảng giảm giá được trang trí rực rỡ sắc màu ở ngay trước cửa nhằm tăng thêm độ chú ý và thu hút khách hàng. Các cửa hàng thời trang lớn như: H&M, Couple TX, Zara, An Phước, Uniqlo… đều giảm giá mạnh nhiều sản phẩm.
Tuy nhiên, một số cửa hàng kinh doanh thời trang ở tuyến đường, trung tâm thương mại dù đã treo biển giảm giá nhưng vắng vẻ, thưa thớt khách hàng. “Chương trình khuyến mãi kèm quà tặng đã diễn ra nhiều ngày nay nhưng lượng khách ghé đến cửa hàng vẫn ít ỏi. Tôi nghĩ là do Black Friday quá gần với dịp khuyến mãi ngày hội độc thân 11/11 nên khách hàng không còn mặn mà. Ngoài ra, tình hình kinh tế của phần đông người tiêu dùng không được tốt trong năm nay, họ cũng hạn chế mua sắm”, chị Nguyễn Trúc Vy, quản lý một cửa hàng quần áo trên đường Trần Quang Diệu, Q.3, TP.HCM chia sẻ.
Trước đó, PwC từng công bố khảo sát năm nay cho thấy, cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam thì 6 người sẽ cắt giảm chi tiêu không thiết yếu. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải đánh giá lại thị trường, xem xét mặt hàng nào thực tế nhất, phù hợp với người tiêu dùng từ giá cả đến tính thực dụng trong "cuộc đua marathon" kích cầu cuối năm.
Thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng doanh số
Năm nay, Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2023 tiếp tục góp phần đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, kích cầu dịp cuối năm. Với mức khuyến mại sâu, các "điểm vàng" triển khai chương trình "Ngày vàng giá shock" năm 2023 đã thu hút rất đông người tiêu dùng Thủ đô đến tham quan, mua sắm.
Lựa chọn được nhiều mặt hàng thiết yếu đang được khuyến mại hấp dẫn tại siêu thị LOTTE Mart Ba Đình, chị Hải Anh (phố Linh Lang, quận Ba Đình) nói: “Nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu đã hỗ trợ, san sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng, nên chúng tôi mua được nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày”.
Là đơn vị chủ trì chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội 2023, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang cho hay, sau 2 tuần đầu, hầu hết các doanh nghiệp tham gia chương trình đều tăng doanh số 20% - 30% so với trước thời điểm triển khai. Các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng, thực phẩm… thu hút được sự quan tâm của người dân.
“Một số doanh nghiệp đã chủ động kết hợp với Ban Tổ chức thiết kế các khu quảng bá mặt hàng khuyến mại, đưa ra những chương trình khuyến mại bài bản. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội không đặt nặng vấn đề doanh thu, lợi nhuận, mà đặt mục tiêu được người tiêu dùng biết đến thương hiệu lên hàng đầu”, ông Bùi Duy Quang thông tin.
Ghi nhận từ phía các doanh nghiệp, sau sự kiện “Ngày vàng giá shock”, ước tính lượng khách và đơn hàng tăng mạnh, trung bình từ 62% đến hơn 150% tùy vào ngành nghề kinh doanh. Tiêu biểu như tại tại hệ thống BRG Mart từ đầu tháng 11 đến nay, doanh thu tăng trưởng hơn cùng kỳ năm 2022 và cùng kỳ tháng 10-2023 khoảng 60%. Riêng 2 "ngày vàng" mức tăng ước đạt khoảng 120% so với cùng kỳ năm 2022. Các đơn vị điện máy cũng ghi nhận mức tăng doanh thu trung bình 150%. Đặc biệt, MediaMart Hai Bà Trưng, MediaMart Thanh Xuân có mức tăng tới gần 300%.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, từ nay đến cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành Công Thương thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kích cầu đi đôi với bình ổn thị trường. Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng phục vụ dịp lễ, Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 40.900 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Cùng với việc kiểm soát cung cầu, bảo đảm ổn định giá cả hàng hóa, Sở cũng sẽ chuẩn bị phương án để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đã, đang vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán; tổ chức các chương trình khuyến mại kéo dài hơn, giảm giá sâu hơn, nhất là vào những tháng thấp điểm tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chương trình kết nối cung cầu giữa thành phố Hà Nội với các địa phương trong những tháng cuối năm được tổ chức để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối.