Sau một năm đầy biến động, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) có cái nhìn lạc quan hơn về TTCK trong năm 2023. Thị trường có khả năng hồi phục mạnh mẽ khi những chính sách đã có tín hiệu đảo chiều.
Đối với quốc tế, Trung Quốc nới lỏng Zero-Covid được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến giao thương toàn cầu, nối lại các chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn. Đồng thời, CPI của Mỹ hạ nhiệt sẽ giúp Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Trong nước, TPS cho rằng có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường như Nghị định 65 được sửa đổi một số quy định, nới room tín dụng và hỗ trợ thị trường BĐS, gia tăng đầu tư công và mức định giá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, TPS kỳ vọng làn sóng ETF sẽ tiếp tục nở rộ giúp TTCK Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại. Tính đến ngày 14/12/2022, lượng tiền huy động trong đợt tăng vốn lần 4 của Fubon FTSE mới chỉ đạt 2,1 tỷ TWD, đồng nghĩa với dư địa còn gần 3 tỷ TWD để đạt mục tiêu 5 tỷ TWD. Do đó, trong thời gian tới, TTCK Việt Nam vẫn sẽ đón nhận dòng vốn giải ngân từ quỹ này. Thêm vào đó, ngày chuyển đổi chỉ số cơ sở của VNM ETF sẽ có hiệu lực dự kiến vào 17/03/2023.
Nhìn về xu hướng thị trường hiện tại, TPS đánh giá chỉ số chung đang vận động kém hơn hiệu suất lịch sử. Tính tại thời điểm điểm cuối năm 2022, VN-Index đang giao dịch tại mức P/E 11 lần, cách 2 lần độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm gần nhất.
Dẫn đầu về tiềm năng tăng trưởng EPS, định giá của thị trường Việt Nam vẫn chưa tương xứng với quy mô khu vực. So sánh với nhóm các nước ASEAN, định giá của Việt Nam cũng nằm ở mức thấp nhất khu vực, nhưng lại đem lại dư địa tăng trưởng EPS lớn nhất và mức ROE đầy triển vọng.
Hiện tại, triển vọng thị trường đã tích cực hơn khi VN-Index thành công tạo đáy tại mức sâu 873 điểm. Tuy nhiên sau giai đoạn bứt phá mạnh khoảng 25% từ đáy, đà tăng của thị trường đã chững lại và chỉ số đang bước vào trạng thái vận động không xu hướng trong vùng 1.000-1.080 điểm.
Chỉ số đang vận động trong kênh giá giảm và nhịp hồi của thị trường ở các giai đoạn trước đó đã bị chặn đứng tại cận trên của kênh giá này. Vì vậy, dựa trên biến động của VN-Index tại ngưỡng cản này và áp dụng lý thuyết Elliott Wave, đội ngũ phân tích đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong thời gian tới.
Trong kịch bản cơ sở, sau giai đoạn tích lũy và vượt kênh giá giảm, TPS cho rằng đây là tín hiệu xác nhận cho việc thị trường đã tạo đáy và đồng thời kết thúc sóng điều chỉnh C để chuyển sang Uptrend. Trong kịch bản này, mức giá mục tiêu mà chỉ số có thể hướng đến là vùng 1.000-1.200 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 50% và 78.6%).
Trong kịch bản tích cực, TPS kì vọng các khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm dần, tạo cơ sở cho các Ngân hàng Trung Ương thế giới nâng lãi suất với tốc độ chậm lại và nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ. Qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo kịch bản khả quan, mức tăng trưởng toàn thị trường từ 10% - 15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến vùng 1.373 – 1.436.
Mục tiêu giá, upside của thị trường sẽ gia tăng và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng giá quanh mức 1.320 điểm(tương đương vùng đỉnh tháng 6 và tháng 8/2022).
Ở kịch bản tiêu cực, sau khi không thể vượt được kênh giá giảm và rơi khỏi mốc 1.000 điểm, thị trường nhiều khả năng sẽ rơi về quanh mức đáy tháng 11/2022 là 873 điểm để hồi phục theo mẫu hình 2 đáy (double bottom) trước khi kết thúc giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, để kịch bản này xảy ra, chỉ số sẽ phải phá vỡ mức 970 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6%).