UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công Thương đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, cơ quan này cho rằng thời gian qua vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu có nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề cốt lõi là do doanh nghiệp (doanh nghiệp tại địa phương, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa...) không thể duy trì việc kinh doanh do thua lỗ kéo dài.
"Trong khi đó, hệ thống chuỗi các cửa hàng bán lẻ của các doanh nghiệp lớn chưa đảm đương được hết, chưa phủ đều đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... mà vẫn do các doanh nghiệp tại địa phương, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa... đảm đương thị trường", văn bản nêu rõ.
Tuy nhiên, tỉnh này cho biết theo quy định hiện hành thì không có quy định chiết khấu định mức cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu do đó thời gian qua việc kinh doanh thua lỗ kéo dài dẫn đến một số cửa hàng bán lẻ này phải tạm ngừng kinh doanh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Vì vậy, cần phải xem xét bổ sung quy định chiết khấu định mức cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu vào Nghị định mới để họ có thể duy trì hoạt động, tránh tình trạng tạm ngừng kinh doanh như thời gian qua", UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất.
Về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, tỉnh này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo không khống chế việc mua xăng dầu của thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Bởi nếu khống chế sẽ ảnh hưởng đến việc tạo nguồn, chủ động nguồn cung và chưa đảm bảo sự cạnh tranh.
Do đó, Kiên Giang đề nghị cho phép thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều nguồn.
Trước đó, ngày 27/12/2022, tỉnh này cũng đã có văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương. Trong đó, đề xuất quy định Bộ này chịu trách nhiệm chính trong quản lý Nhà nước về mặt hàng xăng dầu, có sự phối hợp với các Bộ, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, cơ quan này đề nghị xóa bỏ loại hình kinh doanh xăng dầu: "Thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu". Nhằm làm giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí doanh nghiệp. Đồng thời quy định kinh doanh bán lẻ xăng dầu chỉ được kinh doanh với hình thức đại lý.
Mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021 của Chính phủ với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.