Di chuyển bằng xe máy, chị Thu mất khoảng 50 phút để đi từ Tựu Liệt (huyện Thanh Trì) đến Nguyễn Sơn (quận Long Biên) và có thể lâu hơn nếu tắc đường. Vì phòng gym không quy định giờ làm việc, chị thường bắt đầu đi làm từ 8h30.
“Mấy ngày cao điểm nắng gay gắt, từ 6h tôi đã thấy trời nóng hầm hập. Tôi phải trang bị đầy đủ áo chống nắng, kính râm và mũ bảo hiểm che kín mặt trước khi bước ra khỏi nhà. Tuy nhiên, quãng đường dài và việc ở lâu ngoài đường nhiều lúc vẫn khiến da tôi bỏng rát”, chị kể với Zing.
Vào những ngày Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chịu nắng nóng diện rộng, những người phải đi làm xa giống chị Thu lại càng dễ ngại và mệt mỏi hơn khi đi từ đầu này sang đầu kia thành phố để đến công ty.
Choáng váng vì trời nóng
Tiết trời nắng to, oi ả cả ngày ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của nữ quản lý phòng gym. Chị thường xuyên bị mệt, người như bị rút kiệt sức lực sau khi trở về nhà.
“Tôi dễ bị cảm, ốm hơn trong thời tiết này. Đợt nóng tháng trước, tôi bị ốm vật vã suốt 2 tuần, vừa khỏi được ít hôm thì lại phải đối diện đợt nắng này”, chị kể.
Nhà cách xa chỗ làm, cộng thêm yếu tố nắng nóng gay gắt nhiều lần khiến chị Thu ngại đi làm, nhất là khi phải tự lái xe máy. Hôm nào kiệt sức, chị để lại xe ở cơ quan, bắt xe ôm về song cũng không dám làm vậy nhiều bởi tốn kém.
“Nếu cái nóng còn tiếp diễn, tôi chỉ còn cách đi làm sớm hơn, còn cuối tuần sẽ giải quyết công việc online. Ngoài ra, thời gian này tôi cố gắng ăn uống đủ chất, dùng thêm thực phẩm chức năng để giữ sức khỏe, tránh đổ bệnh”.
Với Hồng Nhung (nhân viên công ty công nghệ), 13 km đi từ nhà ở quận Hoàng Mai sang cơ quan ở quận Cầu Giấy có phần "cực hình" khi trời nóng như đổ lửa. Trung bình, cô mất khoảng 40 phút cho chiều đi, 1 tiếng cho chiều về và cả hai lần đều dễ gây mệt mỏi vì đường đông xe cộ.
“Vì đang có con nhỏ, tôi được phép bắt đầu làm việc từ 10h và ra khỏi nhà vào khoảng 9h15. Đây cũng là thời điểm nắng đã mạnh nên tôi luôn bịt kín từ trên xuống dưới. Gần như hôm nào đến được công ty thì đầu tóc, lưng áo tôi cũng ướt đẫm mồ hôi, phần bàn chân không thể che tới thì bị rát da”, Nhung chia sẻ.
Vì bị tiền đình nhẹ, Nhung thường hay bị đau đầu vì chênh lệch nhiệt độ khi ra ngoài, giữa một bên là phòng điều hòa mát lạnh, một bên là đường nóng hầm hập lên tới 40 độ C.
"Công việc của tôi yêu cầu lên văn phòng và chấm công hàng ngày, không thể làm việc từ xa. Cũng vì vướng con nhỏ, tôi không thể đi làm quá sớm hay về muộn, đành phải lao ra đường vào những khung giờ cao điểm, 'sống chung với lũ' thôi.
Một người bạn đồng nghiệp của tôi ở Long Biên còn phải chọn giải pháp thuê tạm nhà gần công ty để rút ngắn thời gian đi lại và tránh nóng”.
Cô ưu tiên mặc đồ thoải mái, thoáng khí giúp dễ vận động. Bên cạnh đó, Nhung tối giản các bước trang điểm, chủ yếu bôi kem chống nắng để tránh làm da bị bí.
Đi sớm, về muộn
Trong khoảng 2 tháng qua, bôi kem chống nắng trở thành thói quen hàng ngày của Đức Huy (25 tuổi, quận Long Biên).
Nam nhân viên làm việc trong ngành F&B cho biết thông thường con trai không mấy để ý đến chuyện da đen, xuống tông, nhưng sau khi thấy các vết nám, đồi mồi xuất hiện nhiều hơn trên mặt và cánh tay, anh quyết định tìm cách bảo vệ da giữa cái nắng gắt của Hà Nội.
Thuộc tạng người dễ bốc hỏa, đổ mồ hôi, Huy cho hay anh chỉ sử dụng áo chống nắng nếu phải ra đường vào ban trưa, còn không chỉ mặc mỗi áo cộc để tránh bí bách.
Đi làm cách nhà 12 km, Huy cho biết công ty không chấm công quá gắt gao, giúp anh đỡ áp lực chuyện giờ giấc đi lại hàng ngày. Song, tâm trạng và năng suất làm việc vẫn lên xuống theo thời tiết.
"Nếu ngồi trong phòng máy lạnh cả ngày, tất nhiên bản thân sẽ thấy dễ chịu hơn. Còn nếu phải ra ngoài làm việc, tinh thần của tôi đi xuống khá nhiều so với những hôm mát mẻ, khi mồ hôi không chảy ròng ròng", anh kể.
Khẩu vị, thói quen ăn uống cũng thay đổi theo. "Mùa hè, tôi không có sức ăn nhiều và cũng bớt hứng thú với đồ ăn. Nếu có, tôi cũng cố chọn những món thanh, mát như bánh đúc, phở cuốn. Có hôm, tôi chỉ uống nước cho qua bữa".
Muốn tránh cảnh chen chân trên đường giữa trời nóng nực, Huy lựa chọn đẩy sớm giờ đi làm, xuất phát từ lúc 7h-7h30 và về muộn hơn giờ tan tầm.
Ngoài ra, anh luôn đem theo một chai nước bên cạnh. "Đi ra ngoài đường vào lúc mặt trời lên cao, rất dễ xảy ra tình trạng hoa mắt, chóng mặt, uống nước là cách giúp đỡ khát và giảm nhiệt độ cơ thể xuống một chút", Huy cho hay.
Giống với nhiều người sống cách xa công ty, Nhung Bùi (24 tuổi) tốn từ 45 phút đến 1 tiếng mới đi được từ Hà Đông lên Đào Tấn (quận Ba Đình) và ngược lại.
Quãng đường dù chỉ đi thẳng một mạch nhưng qua nhiều điểm ách tắc như Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh nên cảnh ùn tắc xe cộ xảy ra như "cơm bữa".
Không chỉ nhiệt độ tỏa từ mặt đường, hơi nóng từ các phương tiện xung quanh phả ra cũng khiến cô nhễ nhại mồ hôi. Dù đã giản lược hết các bước trang điểm có thể, không ít lần cô gặp tình trạng áo quần tươm tất khi ra đường, nhưng đến nơi thì mặt mũi bóng dầu, tóc bết lại.
"Về đến nhà, việc đầu tiên tôi làm là ngồi nghỉ rồi tắm rửa, thay bộ quần áo khác thoải mái hơn. Vào buổi tối, tôi thường ngồi sinh hoạt với gia đình bởi chỉ có thời điểm đó trong ngày mọi người tụ tập với nhau. Song, cũng có những hôm mệt quá, tôi chỉ kịp vệ sinh cá nhân và đi ngủ luôn".
Thời gian này, Nhung có xu hướng uống nước nhiều hơn mỗi ngày để bù nước cho cơ thể.
"Nhiệt độ ban ngày cao không diễn ra trong vài bữa mà xuyên suốt cả mùa hè nên tôi buộc phải học cách thích nghi. Nắng nóng, tắc đường cộng với nội quy đi làm đúng giờ, tôi không tránh khỏi cảm giác ngại ra đường nhưng đi nhiều rồi cũng thành quen", Nhung cho biết.
Ngoài áo chống nắng, kính râm, trong Nhung còn để sẵn áo mưa, đôi dép đề phòng trời mưa giông bất chợt. "Thời tiết thất thường, có thể vừa nắng vừa mưa to trong cùng một hôm nên chuẩn bị trước vẫn hơn", cô nói.