Yếu tố nào tạo lực hút cho kiều hối? Ngân hàng làm gì để các dịch vụ liên quan kiều hối cạnh tranh tốt hơn? Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Đình Ánh chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Ông có nhận định thế nào về lượng kiều hối về Việt Nam trong thời gian qua?
Nguồn kiều hối về Việt Nam đạt mức kỷ lục năm 2021 đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Không chỉ năm 2021 mà trong nhiều năm trở lại đây lượng kiều hối về Việt Nam đều rất ổn định, tăng tích cực với quy mô lớn, trên dưới 10 tỷ USD.
Lý do nguồn kiều hối vẫn tăng trưởng tích cực theo tôi là bởi Việt Nam đang có một môi trường đầu tư ngày càng tốt, nhiều chính sách hấp dẫn dành cho các Việt kiều. Người dân ngày càng cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh trong nước; Cộng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, người dân càng yên tâm gửi tiền về nước. Thực tế cho thấy, dù kiều bào ở nước ngoài có thể vẫn gặp khó khăn vì đại dịch nhưng họ sẵn sàng gửi tiền về để hỗ trợ người thân, gia đình và tham gia đầu tư. Với hàng triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiềm lực tài chính của Việt kiều ngày một tăng, lượng kiều hối về Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu tích cực, không chỉ ở số lượng mà cả về chất lượng.
Lượng kiều hối ổn định hỗ trợ thế nào đối với nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng?
Trước hết, lượng kiều hối giúp Việt Nam ổn định và cân đối cán cân tài khoản vãng lai. Cộng với cán cân thương mại được cải thiện tốt trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI và FII tốt đã giúp cải thiện quy mô cán cân thanh toán, dịch chuyển sang hướng tích cực, giúp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, nguồn kiều hối về nước ta hiện nay cơ bản từ các nước phát triển - những quốc gia sử dụng đồng tiền mạnh, chủ yếu là đồng USD. Do đó nguồn ngoại tệ này cũng góp phần giữ vững tỷ giá hối đoái. Đặc biệt là tăng được dự trữ ngoại hối, giúp củng cố tiềm lực tài chính nói chung và tiềm lực tài chính đối ngoại nói riêng của Việt Nam.
Điểm đáng chú ý, lượng kiều hối đưa về không đổ vào tiêu dùng như 15 – 20 năm trước mà đang hướng vào hoạt động đầu tư, kể cả đầu tư ở cấp quy mô doanh nghiệp và đầu tư cá nhân, hộ gia đình. Thông qua đó kiều hối trở thành một nguồn vốn đầu tư quan trọng cho nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau dịch. Mặt khác, một phần kiều bào có trình độ về kinh doanh, quản trị, cộng với thế mạnh khoa học công nghệ, từ đó góp phần nâng cao cả chất lượng khoản đầu tư.
Bên cạnh đó, kiều hối có những ưu điểm vượt trội là rất “thuần Việt” và ổn định.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng thu hút kiều hối về Việt Nam trong thời gian tới? Các ngân hàng cần làm gì để gia tăng tính cạnh tranh thu hút nguồn lực này?
Tới đây, dòng kiều hối không chỉ ổn định mà nhiều khả năng sẽ tăng lên, trở thành nguồn vốn đầu tư quan trọng của đất nước. Vì tiềm lực tài chính của người Việt Nam ở các nước đang tăng lên rất nhiều. Hàng triệu Việt kiều đang ở nước ngoài vẫn đang giúp chúng ta có một nguồn thu ngoại tệ lớn.
Đến thời điểm hiện tại, các TCTD đã có sự kết nối mạnh mẽ với tổ chức quốc tế và cả các nhà trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, đầu tư công nghệ, tăng cường hiệu quả dịch vụ. Điều này cần được nhìn nhận là nhân tố có tác động kích hoạt lượng kiều hối linh hoạt, thông suốt về Việt Nam. Các nhà băng cũng rất trông đợi vào nguồn lực quý giá này để tăng lượng tiền gửi giá vốn thấp. Tuy nhiên vẫn cần nhìn nhận hệ thống ngân hàng đang đối mặt với nhiều cạnh tranh từ các đơn vị khác như các công ty kiều hối.
Để gia tăng tính cạnh tranh, bản thân các ngân hàng không chỉ nâng cao dịch vụ, sự tiện lợi, an toàn trong dịch vụ mà phải phát huy ưu thế của riêng mình. Cụ thể, kiều hối hiện nay đang hướng vào đầu tư, kinh doanh... nên khách hàng rất muốn tìm hiểu về môi trường đầu tư, điều kiện đầu tư, tư vấn… Ngân hàng với lợi thế am hiểu về lĩnh vực này cần tận dụng tốt ưu tế để cạnh tranh trong thu hút nguồn kiều hối.
Xin cảm ơn ông!