Elon Musk gây nên nhiều tranh cãi từ khi điều hành Twitter.
Elon Musk, người đứng đầu Tesla và SpaceX, đang bất chấp các quy tắc khi tiếp quản Twitter. Ông bỏ qua giai đoạn xem xét như truyền thống, nhanh chóng loại bỏ các lãnh đạo hàng đầu và sa thải khoảng một nửa số nhân viên.
Musk đã thực hiện các thay đổi chiến lược đột ngột, rồi đảo ngược sự thay đổi ấy nhanh không kém, tạo nên hình ảnh hỗn loạn trước công chúng mà ít người làm lãnh đạo nào muốn noi theo.
Tuần trước, trong một tối hậu thư qua email, vị tỷ phú yêu cầu toàn bộ nhân viên của Twitter ký cam kết "làm việc nhiều giờ với cường độ cao" hoặc bị đuổi. Ông cũng đã sa thải những người chống đối và tuyên bố sẽ hạn chế làm việc từ xa.
Musk cho rằng Twitter cần có một đội ngũ tinh gọn hơn, làm việc chăm chỉ hơn để cải thiện tình hình tài chính và sức cạnh tranh trong một thị trường truyền thông xã hội đông đúc.
Theo Wall Street Journal, sếp của bạn có thể không bắt nhân viên ký cam kết trung thành, và cũng chẳng sở hữu một con tàu tên lửa nào, nhưng rất nhiều lãnh đạo công ty có thể mang tư tưởng giống Elon Musk hơn bạn nghĩ.
Những nhà quản lý nghĩ rằng môi trường làm việc đã trở nên mềm mỏng hơn trong những năm gần đây, và họ ghen tỵ với phong cách lãnh đạo tự do của Musk. Nhiều CEO cũng muốn yêu cầu nhân viên cống hiến theo cách mạnh mẽ như vị tỷ phú giàu nhất thế giới.
Mong muốn thúc ép nhân viên
Điều nhất quán, thu hút sự chú ý của nhiều ông chủ khác chính là yêu cầu cao không biện hộ của Musk đối với nhân viên.
Michael Friedman (57 tuổi), Giám đốc điều hành của công ty đầu tư New York First Level Capital, nói: "Tôi nghĩ mọi CEO thành công, kể cả tôi, đều mệt mỏi với những lời than vãn".
Nhiều CEO ngưỡng mộ phong cách điều hành tự do của ông chủ Twitter.
Với những CEO như Friedman, Musk là người thể hiện "tiếng lòng" của họ, giống như cách diễn viên hài Keegan-Michael Key đã "phiên dịch cơn giận dữ" của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama trong tiểu phẩm của mình.
Trong video hài, Keegan-Michael Key đã diễn tả sự phẫn nộ thực sự mà ông Obama suy nghĩ nhưng không thể nói thành lời.
Ông Friedman nói rằng thành công trong nghề nghiệp của ông đã được tạo nên trong văn phòng từ khi còn là một người môi giới chứng khoán trẻ tuổi. Ông đã không có bàn làm việc của mình cho tới lúc có được 100 tài khoản khách hàng đầu tiên.
Bởi vậy, Friedman chỉ trích cuộc nổi loạn của người trẻ đương thời chống lại văn hóa làm việc hối hả, thể hiện qua trào lưu "bỏ việc trong im lặng" (quiet quitting), khi người lao động vẫn giữ vị trí của mình nhưng chỉ hoàn thành trách nhiệm tối thiểu.
"Tôi chắc khối tài sản của mình không có nhiều số 0 phía sau như ông ấy (Elon Musk)", Friedman nói, thể hiện rằng cá nhân ông sẽ khó hành động kiên quyết như ông chủ mới của Twitter.
Khối tài sản và thành tích của Musk có thể mang lại cho ông sức mạnh để thúc ép nhân viên làm việc chăm chỉ hơn. Cách đây một thập kỷ, tại Tesla, ông đã ép nhóm của mình làm việc tới bờ vực kiệt sức.
"Hãy chuẩn bị tinh thần cho một mức cường độ cao hơn bất kỳ điều gì mà các bạn đã trải qua trước đây", Musk cảnh báo trong một email vào thời điểm đó. Công ty cuối cùng phát triển mạnh mẽ, thần kỳ.
Điều đó không có nghĩa là Twitter sẽ không bị ảnh hưởng. Hàng trăm nhân viên đã nghỉ việc trong những ngày gần đây, ngay cả những người ký cam kết "cực kỳ chăm chỉ” với Musk cũng có thể đang tìm kiếm việc làm ở nơi khác.
Trong khi đó, nhiều nhà quảng cáo đã tạm dừng hoặc cắt giảm lượng tiền đổ vào Twitter, và Musk nói rằng việc phá sản là không thể tránh khỏi. Vị tỷ phú đã trả 44 tỷ USD cho Twitter, công ty lỗ 8 trong 10 năm tài chính vừa qua.
Không thể làm được như Elon Musk
Musk là một CEO hiếm hoi có lượng fan hùng hậu, nhóm có tên "Musketeers". Và nếu thất bại với Twitter, ông có thể sẽ vẫn giàu có từ các dự án kinh doanh khác. Đó là vị thế mà hầu hết nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác chỉ có thể ao ước.
Derek Grubbs (36 tuổi), giám đốc phát triển bán hàng của Crux Informatics, một công ty phần mềm, cho biết: "Anh ấy có thể làm bất cứ điều gì anh ấy muốn và bất kỳ ai có ý kiến về điều đó đều có thể bị trách giận. Nếu các nhân viên rời khỏi Twitter, sẽ có rất nhiều người khác sẵn sàng bước vào vì công ty trả lương cao và làm việc cho Elon Musk là điều gì đó rất tuyệt".
Elon Musk thúc ép nhân viên làm việc tới kiệt sức nhưng được nhiều người ngưỡng mộ. Ảnh: Reuters.
Theo phân tích của Wall Street Journal, mức lương trung bình tại Twitter năm 2021 là hơn 230.000 USD. Không rõ liệu công ty có chi thêm tiền để tuyển dụng và giữ chân nhân sự trong một môi trường khó khăn hơn hay không.
Grubbs nói rằng bản thân cũng ủng hộ Musk trong chuyện yêu cầu nhân viên tới văn phòng, tuy nhiên anh nhận ra chuyện đó rất khó thực hiện.
Sau khi gia nhập Crux vào tháng 4, Grubbs được giao nhiệm vụ thuê một nhóm nhân sự nhỏ. Anh cho phép nhân viên làm việc tại nhà nhưng yêu cầu họ phải sống ở Austin, Texas để nhóm có thể gặp nhau thường xuyên tại văn phòng.
Jon Arnold, giám đốc điều hành của J. Arnold Wealth Management ở Youngstown, Ohio, cho biết ông ngừng chính sách làm việc linh hoạt vào tháng 6, yêu cầu 27 nhân viên của mình tới văn phòng mỗi ngày, sau khi nhận thấy mọi người làm việc kém hiệu quả hơn khi ở nhà.
Ông ước tính một nhân viên điển hình cần phải làm việc 50-55 giờ/tuần để đạt được các mục tiêu mà ông đặt ra cho họ. Nhưng ông đã đưa ra mức lương cao hơn các công ty gần đó và tự làm việc 65-70 giờ/tuần để làm gương.
"Tôi có phong cách điều hành rất giống Elon Musk", Arnold bày tỏ, kể thêm rằng đã sa thải nhân viên lễ tân vì không chào đón khách hàng bằng lời "chào buổi sáng" và một tách cà phê.
Tuy nhiên, Arnold buộc phải thừa nhận thực tế rằng cường độ làm việc của ông đã khiến quá nhiều nhân viên tài năng bỏ việc trong vòng 3 tháng.
Thay vì đưa ra tối hậu thư, ông Arnold giữ tiêu chuẩn cao trong khi cư xử mềm mỏng hơn, và quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống cá nhân của nhân viên: chẳng hạn đảm bảo rằng họ có thể về nhà đúng giờ để tham dự các buổi tiệc của con cái và xem các trận bóng đá.