Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 6/2022 mang về lượng ngoại tệ trên 1 tỷ USD, tương đương so với tháng 5/2022 và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, hết nửa đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021.
Xuất khẩu cá tra sang Anh tăng đột biến
VASEP cho biết do thiếu nguyên liệu cho chế biến, nên doanh số xuất khẩu tôm trong tháng 6/2022 chỉ duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn 7%, đạt 450 triệu USD. Lũy kế nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 40% trong tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Xuất khẩu tôm chân trắng chế biến nửa đầu năm tăng 17%, trong khi xuất khẩu tôm tươi/đông lạnh tăng 21%. Xuất khẩu tôm sú nửa đầu năm vẫn tăng 20% đạt hơn 300 triệu USD. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm tăng trưởng kỷ lục với gần 130 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát và chiến sự Nga – Ukraine lại là cơ hội cho cá tra trong năm 2022. Thiếu cá thịt trắng, nhất là cá tuyết tại các thị trường EU, Mỹ, Anh do lệnh trừng phạt với Nga, nhiều nhà hàng ở các thị trường này đã phải bỏ cá tuyết ra khỏi thực đơn.
Nhờ vậy, cá tra có cơ hội giành thị phần tại những thị trường này. Xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá gấp 6 lần cùng kỳ; trong khi xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng gấp gần 3 lần; sang Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ đều tăng 45-90%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 1/4 trong tổng doanh số xuất khẩu thuỷ sản. Trong tháng 6/2022, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 54% so với cùng kỳ, đạt gần 220 triệu USD.
Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6/2022 đạt trên 91 triệu USD, tăng 43% so với tháng 6 năm ngoai. Tổng xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm tăng 56% đạt 553 triệu USD, chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Trong đó, sản phẩm chủ lực vẫn là cá ngừ loin, cá ngừ cắt khúc đông lạnh, mang về 377 triệu USD, tăng 122%.
Hơn một nửa cá ngừ xuất khẩu dành cho thị trường Mỹ có sức tiêu thụ lớn, tăng trưởng cao. Trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng gần gấp đôi thì xuất khẩu sang EU chỉ tăng 9%, mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với các thị trường khác, chủ yếu tăng nhờ giá bán tăng.
Thẻ vàng IUU vẫn đang khiến cho cánh cửa xuất khẩu cá ngừ cũng như các mặt hàng hải sản khai thác sang thị trường EU bị thu hẹp.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong tháng 6/2022 đạt trên 68 triệu USD, tăng 34% so với tháng 6 năm ngoái. Tính đến hết nửa đầu năm, sản phẩm nhuyễn thể chân đầu mang về kim ngạch 344 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 6% doanh số xuất khẩu thuỷ sản.
Trong đó, xuất khẩu mực đạt 197 triệu USD, tăng 45%; xuất khẩu bạch tuộc đạt 147 triệu USD, tăng 12%. Xuất khẩu các nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ và các loại cá khác trong 6 tháng đầu năm nay đều đạt tăng trưởng 11-54% so với cùng kỳ.
Hoa Kỳ là thị trường số 1
Với thị trường Mỹ, VASEP cho hay, tính trong nửa đầu năm nay, Mỹ giữ vị trí số 1 trong các thị trường tiêu thụ thủy sản, chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Mỹ đồng thời là thị trường số 1 của tôm Việt, chiếm 21%; với cá ngừ xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng áp đảo 54%. Với cá tra, Mỹ là thị trường số 2 sau Trung Quốc, chiếm 25,6%.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký bản ghi nhớ về an ninh quốc gia nhằm chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp và sử dụng lao động cưỡng bức ở vùng biển quốc tế. Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam, Ecuador, Panama, Senegal và đảo Đài Loan về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gọi tắt là IUU trong thuật ngữ về môi trường. Kế hoạch sẽ được công bố vào cuối tháng 7/2022.
Theo Thông cáo được đăng trên website Nhà Trắng (Hoa Kỳ) vào ngày 27/6/2022.
Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Mỹ đã đạt gần 1,32 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu thủy sản sang Mỹ năm 2022 sẽ đạt 2,4 - 2,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.
Tại thị trường Mỹ, trừ nhuyễn thể có vỏ giảm 10%, xuất khẩu tôm, cá tra , cá ngừ và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm trước. Đặc biệt, mặt hàng cá tra với tăng trưởng 131% so với cùng kỳ.
VASEP phân tích nêu ra 5 yếu tố chính khiến cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng đột phá. Đó là: sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá gia giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra, số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh…
Xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú sang Mỹ tăng lần lượt 33% và 29% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam là một nguồn cung cấp tôm thịt hàng đầu cho thị trường Mỹ. Tổng xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt gần 390 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với cá ngừ, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là cá ngừ loin/phile đông lạnh sang Mỹ, chiếm 74%. Trong 5 tháng đầu năm nay, XK cá ngừ sang Mỹ đạt 251 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản phẩm loin cá ngừ đạt 186 triệu USD, tăng 184%.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng hơn 90%
VASEP cho hay xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tăng tới 91% so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch đạt 925 triệu USD trong 6 tháng. Trong đó, hai sản phẩm chiếm tỷ trọng chi phối là cá tra chiếm 48% và tôm chiếm 35% xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đột phá với mức tăng gấp gần 29 lần so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cá tra tăng 124%. Ngoài 2 sản phẩm chủ lực, thì xuất khẩu đa số các loài hải sản sang Trung Quốc sụt giảm so với cùng kỳ năm trước: cá ngừ giảm 60%, các loại cá biển giảm 9%, chả cá và surimi giảm 25%…
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, Covid bùng phát mạnh và thái độ kiên định với chính sách "Zero Covid" của chính quyền Trung Quốc khiến cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này gặp nhiều ách tắc khi nhiều cảng nhập khẩu bị đóng cửa và việc kiểm tra Covid trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe.
“Tuy nhiên, vì nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản cho tiêu thụ nội địa. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc đang gia tăng thu hút nhiều hơn số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang đây bất chấp những thách thức trên”, ông Nam thông tin.
Nhận định xu hướng thị trường Trung Quốc trong những tháng tới sẽ tiếp tục bị chi phối bởi dịch Covid khiến thuỷ sản bị ảnh hưởng, nhưng ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng về dài hạn, thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng.
“Là một loại thuỷ sản phổ biến, tôm sẽ được tiêu thụ nhiều hơn trong các hộ gia đình. Nguồn cung tôm nói riêng, thủy sản nói chung từ Trung Quốc giảm trong 3 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thời gian tới, nhu cầu tiêu dùng các loại thủy sản của người dân Trung Quốc sẽ tăng lên”, ông Nam dự báo.