Hàng nghìn ngân hàng tồn tại ở Mỹ
Mỹ có rất nhiều ngân hàng. Trên thực tế, quốc gia này có nhiều nhà băng đến nỗi khi một ngân hàng gặp rắc rối, nhiều người gửi tiền còn nhầm lẫn tên với các ngân hàng ở khu vực khác.
Đó là những gì đã xảy ra vào tháng 3, khi cơ quan quản lý tiếp quản ngân hàng Signature Bank trị giá 110 tỷ USD của New York. Trong những ngày sau đó, giám đốc của 3 ngân hàng Signature Bank khác ở Illinois, Ohio và Georgia phải lên tiếng giải thích để khách hàng không nhầm lẫn.
Theo Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Mỹ hiện có hơn 4.100 ngân hàng thương mại. Đó là con số ít hơn rất nhiều so với trước đây (14.000 ngân hàng tồn tại trong những năm 1930 và 1980) nhưng vẫn nhiều hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Theo IMF, số lượng ngân hàng ở Canada vào năm 2021 là 81. Nhật Bản có 112 ngân hàng, Trung Quốc có 187, Đức có 251 và Vương quốc Anh có 311.
Hầu hết các ngân hàng Mỹ là những ngân hàng cộng đồng và khu vực. Chúng nhỏ hơn nhiều so với những gã khổng lồ như JPMorgan Chase (JPM), Bank of America (BAC) hoặc Citigroup (C).
Tuy vậy, những ngân hàng này đang là chủ nợ của rất nhiều người trên khắp nước Mỹ. Theo báo cáo của nhà kinh tế học Manuel Abecasis và David Mericle của Goldman Sachs, hiện các ngân hàng có tài sản dưới 250 tỷ USD nắm giữ hơn 80% các khoản vay bất động sản thương mại.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng làm rung chuyển nước Mỹ vào tháng 3 đã khiến công chúng chú ý đến những cái tên ít nổi tiếng hơn, chẳng hạn như Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), Signature Bank (SBNY), Silvergate Bank, First Republic Bank.
Nỗi hoang mang từ vụ việc này là một lời cảnh tỉnh rằng nhiều ngân hàng nhỏ ở Mỹ có thể tạo ra lỗ hổng gây rủi ro toàn hệ thống.
Hai quan điểm trái chiều
Tại sao nước Mỹ có quá nhiều ngân hàng? Mọi chuyện bắt đầu từ những năm đầu tiên khi nước Mỹ mới thành lập. Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Mỹ Thomas Jefferson và Bộ trưởng Tài chính đầu tiên Alexander Hamilton đã có những cuộc tranh cãi.
Ông Hamilton muốn có một ngân hàng quốc gia thống lĩnh toàn ngành. Trong khi đó, ông Jefferson lo ngại rằng ngân hàng càng lớn sẽ tạo ra rủi ro càng nghiêm trọng.
Tổng thống George Washington đứng về phía ông Hamilton. Vì vậy, đất nước này có ngân hàng quốc gia đầu tiên vào năm 1791, sau đó là ngân hàng quốc gia thứ hai vào năm 1816.
Đến thời Tổng thống Lincoln, hệ thống ngân hàng Mỹ chuyển sang cấu trúc một phần tập trung (theo kiểu ông Hamilton) và một phần phi tập trung (theo kiểu ông Jefferson).
Số lượng ngân hàng nhân lên khi đất nước mở rộng. Theo dữ liệu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh St. Louis tổng hợp, số ngân hàng đạt hơn 10.000 vào năm 1900 và đạt đỉnh hơn 30.000 vào năm 1921.
Cuộc Đại khủng hoảng đã xóa sổ nhiều nhà băng, nhưng Mỹ vẫn còn hơn 13.000 ngân hàng vào giữa những năm 1930. Số lượng tiếp tục duy trì ở mức đó cho đến cuối những năm 1980 và 1990. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, số ngân hàng Mỹ đã giảm hơn 40%.
Quá nhỏ để tồn tại?
Một số ý kiến cho rằng nhiều ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực cuối cùng cũng sẽ bị tiếp quản hoặc bị phá sản, trong khi những gã khổng lồ phát huy sức mạnh của mình.
Và cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực hồi tháng 3 có thể tạo ra những thay đổi mới. Các ngân hàng nhỏ phải chật vật thích nghi với thời kỳ lãi suất cao mà không có nhiều lựa chọn như các đối thủ “bất bại” khác.
Giáo sư tài chính và bất động sản Tomasz Piskorksi tại Trường Kinh doanh Columbia cho biết lỗ hổng mới có thể gây ra hậu quả lớn hơn cho nền kinh tế, nếu các ngân hàng địa phương quyết định rút lại các khoản cho vay mới, chứ chưa nói đến phá sản.
Tham khảo Yahoo Finance