Môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những năm gần đây, doanh nghiệp được coi là động cơ tăng trưởng cho cả nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Doanh nghiệp cũng có vị trí đặc biệt, được đặt trong mối quan hệ tổng hòa với các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Chính vì vậy, việc tạo ra các hoạt động thúc đẩy và môi trường thể chế thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển quốc gia. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách. Cụ thể như, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 5; Nghị định số 94/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Gần đây nhất là Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 ban hành chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030…
Bên cạnh những lợi thế về chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian gần đây thay đổi tích cực theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có cả doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Việt Nam có thế mạnh trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, như: Có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á - là khu vực phát triển năng động của thế giới; Cùng với đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định khi luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6-7% trong 2 thập niên trở lại đây, kể cả trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19. Thị trường tiêu thụ tiềm năng với gần 100 triệu dân, mức tiêu dùng tăng nhanh; có nguồn nhân lực dồi dào và đang trong giai đoạn dân số vàng…
Tại các địa phương, nhu cầu gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng trở nên cấp thiết. Cụ thể, theo đại diện Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định, gọi vốn là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định, nhằm bắt kịp xu hướng đổi mới sáng tạo, xây dựng chiến lược phát triển bền vững để tạo ra những sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao và có tính cạnh tranh trên thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT của nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP - chia sẻ: 2 năm qua, các doanh nghiệp rất cởi mở đón nhận các giải pháp của các startup, đây chính là tiền đề rất tốt để Việt Nam hướng đến đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, đã có một sự dịch chuyển về đổi mới sáng tạo, từ nội tại doanh nghiệp sang các sáng kiến, ý tưởng bên ngoài để làm giàu cho nguồn tài nguyên của doanh nghiệp. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam hút được nguồn vốn đầu tư.
Các bước để doanh nghiệp “gọi vốn” thành công
“Gọi vốn” là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp hiện nay, theo ông Vũ Hồng Chiên - Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI): Đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhà đầu tư, cụ thể đối với kinh nghiệm thực tế tại Tập đoàn FPT. Việc quản lý quá trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cần thực hiện các mục tiêu quan trọng, bao gồm: Việc xem xét kỹ lưỡng các hạng mục để tối ưu hóa các nỗ lực quản lý đổi mới ở tất cả các cấp của doanh nghiệp, đảm bảo các mục tiêu đổi mới sáng tạo phức tạp với quy mô lớn cần phải được chia nhỏ thành các mục tiêu mà có thể quản lý được và các nhóm tham gia khác nhau có thể tập trung vào.
Cùng với đó, các yếu tố để đáp ứng từ thị trường và các nhà đầu tư cũng cần tập trung vào tính gắn kết giữa nhân viên và khách hàng, văn hóa và chiến lược số của doanh nghiệp, liên tục cập nhật và đổi mới quy trình thông qua việc áp dụng công nghệ và phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn...
Trong khi đó, ông Trần Mạnh Trúc - Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures - phân tích: Kinh nghiệm gọi vốn thành công cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và “khẩu vị” thường gặp từ các quỹ đầu tư. Thông qua hành trình gọi vốn bao gồm các bước, như: Xác định giá trị công ty và ước tính số tiền cần gọi; lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng và kế hoạch tiếp cận; chuẩn bị tài liệu thuyết trình; tiếp cận và gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng; đàm phán, thẩm định; giải ngân và báo cáo sau đầu tư...
“Trong đó, việc xác định và chuẩn bị thật kỹ các thành tố trong hành trình trở thành những điều kiện vô cùng quan trọng để nhà đầu tư có thể bắt tay hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp” – ông Trần Mạnh Trúc khẳng định.
Dẫn chứng từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Singapore, quốc gia được coi là một trong 10 hệ sinh thái tốt nhất thế giới, bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, các kỳ lân tại Singapore đều có mối liên hệ chặt chẽ và cung ứng các dịch vụ đổi mới sáng tạo cho chính doanh nghiệp truyền thống tại Singapore. Tiêu biểu như nền tảng Trax chuyên phân tích dữ liệu cho các mảng bán lẻ, bằng cách đưa ra các ứng dụng công nghệ giúp quản lý hàng hóa trong siêu thị, điểm bán lẻ một cách tự động. Từ đó tiết kiệm được chi phí nhân sự, chi phí quản trị cho các doanh nghiệp. Kỳ lân công nghệ này có mức định giá 1,3 tỷ USD cho lần gọi vốn gần nhất trong năm 2021.
Hay Patsnap - kỳ lân công nghệ phát triển và lưu trữ dữ liệu về bằng sáng chế, nơi các doanh nghiệp trao đổi bằng sáng chế để từ đó đưa về khai thác dịch vụ của mình. Qua đó cho thấy, ở những quốc gia đi trước như Singapore, họ đã đẩy mạnh và chứng minh được những lợi ích từ đổi mới sáng tạo mở thông qua mối liên hệ giữa các startup và các doanh nghiệp truyền thống. Từ đó mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc phát triển và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng trưởng gấp 5 lần, tăng gấp 3 lần năng suất lao động trong khi lại tiết kiệm từ 20-30% mức đầu tư. Đây chính là lợi thế mà đổi mới sáng tạo sẽ mang lại cho doanh nghiệp và cũng là lý do đổi mới sáng tạo đang nhận được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp, quỹ đầu tư hiện nay.