CNBC đưa tin ngày 20/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục cắt giảm thêm 2 loại lãi suất quan trọng. Bắc Kinh đang tìm mọi cách để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Cụ thể, PBoC đã cắt giảm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay kỳ hạn một năm từ 3,65% xuống 3,55%; và hạ lãi suất cơ bản đối với khoản vay 5 năm từ 4,3% xuống 4,2%.
Liên tục cắt giảm lãi suất
"Trên thực tế, việc cắt giảm 10 điểm cơ bản là một động thái quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với các điều kiện tiền tệ, nhất là khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện đã thấp hơn lãi suất chính sách", hai chuyên gia Julian Evans-Pritchard và Zichun Huang của Capital Economics nhận định.
"Nhưng PBoC có xu hướng sử dụng những thay đổi về lãi suất chính sách làm công cụ báo hiệu, còn các thay đổi lớn hơn sẽ được thể hiện qua những công cụ khác như điều chỉnh yêu cầu dự trữ bắt buộc và hạn ngạch tín dụng của các ngân hàng", hai chuyên gia nói thêm.
PBoC có xu hướng sử dụng những thay đổi về lãi suất chính sách làm công cụ báo hiệu, còn các thay đổi lớn hơn sẽ được thể hiện qua những công cụ khác như điều chỉnh yêu cầu dự trữ bắt buộc và hạn ngạch tín dụng của các ngân hàng.
Chuyên gia Julian Evans-Pritchard và Zichun Huang của Capital Economics
"Đợt cắt giảm lãi suất mới nhất cho thấy những công cụ khác cũng sẽ được triển khai", các chuyên gia dự báo.
Dù PBoC thông báo cắt giảm lãi suất, chỉ số bất động sản Trung Quốc đại lục của Hang Seng - một thước đo theo dõi các công ty bất động sản Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong - đã sụt giảm hơn 3%. Riêng gã khổng lồ địa ốc Country Garden ghi nhận mức giảm tới 5%.
Bởi trước đó, hơn 50% chuyên gia được Reuters khảo sát tin rằng PBoC sẽ cắt giảm ít nhất 15 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm.
Đà giảm trong lĩnh vực bất động sản đang đè nặng lên chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Đồng nhân dân tệ ở cả trong lẫn ngoài nước đều được giao dịch với mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11.
Hầu hết khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp của Trung Quốc đều dựa trên lãi suất cơ bản một năm của PBoC. Còn lãi suất cho vay 5 năm sẽ ảnh hưởng đến lãi vay mua nhà.
Nỗ lực vực dậy nền kinh tế
Động thái mới nhất được đưa ra sau khi một loạt dữ liệu kinh tế - từ sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và thương mại, đến đầu tư tài sản cố định - đều thấp hơn kỳ vọng. Trung Quốc đang mấp mé bờ vực giảm phát. Và triển vọng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch đã tan thành mây khói.
Các ngân hàng đầu tư hàng đầu, từ Goldman Sachs đến JPMorgan, đều cắt giảm ước tính tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc. Những tổ chức nước ngoài này cùng cảnh báo về các thách thức ở phía trước.
Cuối tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã cam kết đưa ra “các biện pháp mạnh mẽ hơn” một cách kịp thời, nhằm “tăng cường động lực phát triển kinh tế, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế”.
Trước đó, PBoC cũng đã hạ lãi suất MLF - đối với các khoản vay kỳ hạn một năm dành cho ngân hàng thương mại - 0,1 điểm phần trăm từ 2,75% xuống 2,65%.
Ngân hàng trung ương rót 237 tỷ nhân dân tệ (33 tỷ USD) cho các ngân hàng thương mại thông qua công cụ này, nhằm "duy trì mức thanh khoản đủ và hợp lý trong hệ thống ngân hàng".
Trước đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng tuyên bố cắt giảm lãi suất mua lại kỳ hạn 7 ngày 10 điểm cơ bản, từ 2% xuống 1,9%, khi cơ quan này bơm 2 tỷ nhân dân tệ (279,97 triệu USD) thông qua công cụ trái phiếu ngắn hạn.
Bắc Kinh cũng đưa ra một số biện pháp khác để vực dậy nền kinh tế như hỗ trợ ngành công nghiệp bất động sản và thúc giục các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi.
Hai chuyên gia Evans-Pritchard và Huang chỉ ra giới chức Bắc Kinh đang dồn sự chú ý vào nền kinh tế, và việc thúc đẩy tăng trưởng được ưu tiên hơn các mối quan tâm khác, trong đó có lợi nhuận của ngành ngân hàng.