Những ngày này, chủ các nhà máy sản xuất thép ở nhiều địa phương Trung Quốc đang có chung tâm trạng bi quan - ông Simon Wu, một nhà tư vấn về thị trường hàng hoá cơ bản thuộc công ty Wood Mackenzie - cho biết trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Lượng thép tồn kho đang dâng cao tại các nhà kho ở Đường Sơn, thành phố phía Đông Bắc được coi là thủ phủ của ngành công nghiệp thép Trung Quốc, cũng như ở các tỉnh Giang Tô và Sơn Đông - theo tiết lộ của các ông chủ nhà máy thép với ông Wu. Họ phàn nàn rằng nhu cầu thép giảm nhanh khi nhiều địa phương Trung Quốc phong toả chống Covid-19 và hoạt động xây dựng ở nước này đi xuống.
“Một bầu không khí tiêu cực đang bủa vây. Ngành thép không còn lãi nữa”, ông Wu nói.
Thép ế ẩm ở Trung Quốc
Một lượng khổng lồ thép - một nguyên vật liệu chủ chốt tại Trung Quốc, nơi được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” - đang ở trong tình trạng ế ẩm tại khắp quốc gia này, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trở nên bấp bênh khiến nhu cầu và giá thép cùng bị kéo tụt. Trong thời gian trung tâm tài chính Thượng Hải phong toả, giá thép và giá nguyên liệu chính để sản xuất thép là quặng sắt cùng biến động mạnh. Từ đầu tháng 6 tới nay, giá thép và giá quặng sắt cùng chuyển sang xu hướng giảm rõ rệt.
Nhu cầu thép - vốn được coi là một thước đo sức khoẻ nền kinh tế Trung Quốc - đang phản ánh sự giảm tốc trên diện rộng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, cho dù các số liệu gần đây cho thấy một vài tín hiệu lạc quan, bao gồm sản lượng công nghiệp tháng 5 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc sở hữu ngành công nghiệp thép lớn nhất thế giới. Ngành thép của nước này là sự tập hợp của những chuỗi cung ứng rộng lớn trải rộng từ những lò luyện thép trong nước cho tới những mỏ quặng sắt ở Australia và Brazil - những nước cung cấp nhiều quặng sắt nhất cho Trung Quốc. Vì lý do như vậy, bất kỳ biến động nào trên thị trường thép ở Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng tới mạng lưới chuỗi cung ứng rộng lớn này.
Theo Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, sản lượng toàn quốc hàng ngày các sản phẩm thép trung gia như thép thô và gang, cũng như hàng thành phẩm, đã tăng khoảng 1-3% so với tháng 5. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thép giảm xuống. Chẳng hạn, tiêu thụ thép thô của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái – theo nhà phân tích Niki Wang của S&P Global Commodity Insights.
“Sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ thép so với cùng kỳ năm ngoái là mạnh hơn nhiều so với mức giảm của sản lượng thép. Trong trường hợp đó, các nhà máy thép gặp khó khăn vì giá thép đứng trước áp lực giảm”, bà Wang nói.
Lượng thép tồn kho ở Trung Quốc đang cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái và có thể phải mất gần 2 tháng để giảm về mức bình quân của 5 năm qua, với giả định nhu cầu tiêu thụ thép sẽ tăng mạnh trở lại sau giai đoạn phong toả chống Covid – theo nhà nghiên cứu Richard Lu thuộc CRU Group.
Chưa kể, thép Trung Quốc còn đang phải cạnh tranh với phôi thép giá rẻ từ Nga tràn sang – theo nhà phân tích Paul Lim của Fastmarkets Asia.
Các nhà máy thép cố giữ hoạt động
Hoạt động xây dựng ở Trung Quốc hiện vẫn đang trong trạng thái gần như tê liệt vì các hạn chế chống Covid vẫn đang được áp dụng ở nhiều địa phương. Dữ liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy đầu tư bất động sản ở nước này trong 5 tháng đầu năm giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn so với mức giảm 2,7% ghi nhận trong 4 tháng đầu năm. Doanh số bán nhà ở nước này trong 5 tháng đầu năm giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Dù giá thép giảm khiến tỷ suất lợi nhuận sa sút, nhiều nhà máy thép ở Trung Quốc vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Nhiều nhà máy sử dụng quặng chất lượng thấp hơn để sản xuất khối lượng thép ít hơn. Các lò cao ở Trung Quốc đang hoạt động ở mức hơn 90% công suất, mức cao nhất trong 13 tháng, mặc cho lợi nhuận giảm sút - giới phân tích cho hay. Theo ông Lu, một số nhà máy thép đã lỗ nặng trong tháng 4 và tháng 5.
Dữ liệu giá thép cho thấy giá của một số sản phẩm thép phổ biến như cố thép và thép cuộn cán nóng được sử dụng trong xây dựng đã giảm tới gần 30% so với mức đỉnh thiết lập vào năm ngoái.
Việc đóng cửa các lò cao không phải là một lựa chọn tốt, vì các lò lớn dùng để nấu quặng sắt thành thép chảy cần phải chạy liên tục liên tục. Nếu đã bị đóng, những lò này cần một thời gian dài, lên tới 6 tháng, để vận hành trở lại.
“Bởi vậy, các chủ nhà máy thép ở Trung Quốc vẫn phải chạy các lò cao bằng cách dùng quặng chất lượng thấp hơn làm đầu vào, qua đó giảm sản lượng thép. Họ hy vọng cách này sẽ giúp họ có thể tăng sản lượng nhanh chóng trong trường hợp nhu cầu thép hồi phục khi các biện pháp phong toả chống Covid được gỡ bỏ hoàn toàn”, chuyên gia Atilla Widnell của Navigate Commodities nhận định.
Chuyên gia Wu của Wood Mackenzie còn chỉ ra một nguyên nhân khác khiến các nhà máy thép ở Trung Quốc duy trì sản xuất nhằm đạt mức sản lượng mà Chính phủ nước này cho phép trước khi Bắc Kinh cắt giảm hạn ngạch này từ năm tới để đạt các mục tiêu về khi thải vào năm 2030 và 2060.
“Hạn ngạch sản lượng thép hàng năm được xác định dựa trên mức sản lượng thực tế của năm cũ. Bởi vậy, các nhà sản xuất thép sẽ hưởng lợi nếu họ sản xuất được lượng thép tối đa cho phép mỗi năm. Trong năm tiếp theo, mức cắt giảm sản lượng mà nhà chức trách đưa ra sẽ dựa vào sản lượng đạt được của năm cũ”, ông Wu phát biểu.
Khủng hoảng có lặp lại?
Nhu cầu thép và giá thép ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong thời gian từ 2012-2016, khi nền kinh tế nước này giảm tốc mạnh. Đối với nhiều nhà khai mỏ quặng phục vụ thị trường Trung Quốc, như các hãng khai mỏ ở Australia, đó là sự chấm dứt của một “thời kỳ bùng nổ khai mỏ”. Riêng trong năm 2015, các công ty thép lớn của Trung Quốc lỗ hơn 50 tỷ Nhân dân tệ.
Theo ông Wu, đợt giảm này của thị trường thép Trung Quốc không phải là sự lặp lại năm 2015 và các hãng thép đã học được cách đứng vững trong biến động. “Bởi thế, họ vẫn sẽ sản xuất. Họ còn phải trả lương và duy trì dòng tiền. Nhiều nhà sản xuất có thể duy trì được 2 năm mà không có lãi. Nhiều người bên ngoài Trung Quốc không hiểu được sự vững vàng này”, ông Wu nói.
Chuyên gia Lu của CRU thì nói rằng một số nhà máy thép Trung Quốc đúng là đang giảm sản xuất, nhưng mức tồn kho “còn thấp hơn nhiều so với mức gây hoảng sợ” và năng lực dự trữ thép không phải là một vấn đề nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đã có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy ngành thép Trung Quốc có sự điều chỉnh để thích nghi với tình hình khó khăn. Gần đây, có tin đồn rằng chính quyền tỉnh Giang Tô yêu cầu các nhà máy thép địa phương giảm sản lượng khoảng 3,32 triệu tấn trong thời gian còn lại của năm nay. Hiện chưa rõ đây là một nỗ lực nhằm giảm bớt lượng thép tồn kho, hay là một phần trong chiến lược cắt giảm sản lượng thép nói chung và giảm phát thải.
“Tôi cho rằng Trung Quốc hiểu rõ về sự suy yếu của nhu cầu thép tại thị trường trong nước năm nay, và sẽ dùng sức mạnh điều hành để yêu cầu các nhà máy thép phải cắt giảm sản lượng như đã từng làm trước đây”, nhà phân tích Alex Reynolds của Argus Media nhận định. “Nếu giá thép tiếp tục giảm mạnh và các nhà máy thép thua lỗ nhiều hơn, Chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra con số cụ thể cho việc cắt giảm sản lượng”.
Chuyên gia Wang của S&P cho rằng tác dụng kích cầu từ chính sách tiền tệ nới lỏng của Trung Quốc cũng sẽ đóng một phần quan trọng vào việc phục hồi nhu cầu thép trong tương lai. Cũng theo bà Wang, các bộ phận khác trong chuỗi cung ứng của ngành sản xuất thép, như các nhà khai quặng ở Australia và Brazil, không cần phải lo lắng nhiều, vì sản lượng quặng sắt cũng đang giảm, theo đó bù lại sự sụt giảm của nhu cầu.
“Sản lượng gang cao đồng nghĩa với nhu cầu quặng sắt vẫn ổn định. Lượng quặng sắt tồn kho tại các cảng chính của Trung Quốc đã trong xu hướng giảm từ Tết Nguyên đán tới nay”, bà Wang nói.
Giá quặng sắt thế giới dao động trong khoảng 130-150 USD/tấn trong 2 tháng qua, so với mức thấp tới 30-40 USD/tấn trong đợt sụt giảm hồi năm 2012-2016.