CNBC đưa tin theo số liệu được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 28/7, trong quý II, GDP của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi lao dốc 1,6% vào quý I. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận 2 quý giảm liên tiếp.
Theo một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi, Mỹ đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm liên tục trong 2 quý.
Trong khi đó, Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia Mỹ (NBER) có một định nghĩa suy thoái mập mờ hơn. Đó là "sự tụt giảm hoạt động kinh tế trên cả nước kéo dài nhiều tháng".
Giảm tốc trên diện rộng
"Chúng ta chưa suy thoái, nhưng rõ ràng tăng trưởng kinh tế đã giảm tốc", ông Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics - bình luận.
Một báo cáo khác chỉ ra thị trường lao động tại Mỹ đang xấu đi. Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 23/7, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đạt 256.000 đơn, cao hơn so với ước tính 249.000 đơn của Dow Jones.
GDP sụt giảm do một loạt yếu tố, từ hàng tồn kho, đầu tư đến chi tiêu lao dốc. Tổng đầu tư của khu vực tư nhân đã sụt giảm 13,5% trong quý II.
Chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng 1% trong giai đoạn lạm phát leo thang. Chi tiêu dịch vụ tăng 4,1%, nhưng chi tiêu hàng hóa sụt giảm. Trong khi đó, hàng tồn kho vốn là động lực tăng trưởng vào năm 2021 giờ đã trở thành lực cản.
Lạm phát là gốc rễ của nhiều rắc rối cho nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 8,6% trong quý, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ quý IV/1981.
Điều này khiến thu nhập cá nhân sau thuế của người Mỹ (đã điều chỉnh theo lạm phát) lao dốc 0,5%. Trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm cũng giảm so với quý I.
Nhiều dấu hỏi
Các vấn đề về chuỗi cung ứng trong thời kỳ dịch bệnh là khởi nguồn của mọi rắc rối. Tình hình càng nghiêm trọng hơn sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Gần đây, Trung Quốc bắt đầu phong tỏa một loạt thành phố lớn để đối phó với dịch bệnh.
Giờ đây, nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Lạm phát bùng nổ vào năm 2022 và liên tục lập đỉnh. Trong tháng 6, CPI của Mỹ tăng tới 9,1% so với một năm trước đó.
Lạm phát kỷ lục buộc FED phải gấp rút sửa sai. Trước đó, cơ quan này cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời.
Hôm 27/7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - đã tăng lãi suất cho vay cơ bản lên mức 2,25-2,5%. Đây là lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ 2 liên tiếp và lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay. Hồi đầu năm, lãi suất cơ bản tại Mỹ xấp xỉ 0.
FED phải lách qua khe cửa hẹp để nâng lãi suất mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Khả năng cao là cánh cửa này thậm chí đã đóng lại
Ông Jim Baird - Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors
"FED đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vì trọng tâm chính của họ vẫn là hạ nhiệt lạm phát. Cơ quan này sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tương lai", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) bình luận với Zing.
"Trước đó, FED kiên quyết rằng lạm phát chỉ là nhất thời và giờ buộc phải gấp rút sửa sai. Hiện tại, Chủ tịch FED Jerome Powell có thể tránh đưa ra bất cứ gợi ý nào về thời điểm ngân hàng trung ương Mỹ dừng tăng lãi suất", ông nói thêm.
"Các số liệu kinh tế mới đây không thể vẽ ra một bức tranh nhất quán. Nhưng 2 quý liên tiếp ghi nhận GDP sụt giảm cho thấy tăng trưởng kinh tế đã suy yếu rõ rệt", ông Jim Baird - Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors - nhận định.
"FED phải lách qua khe cửa hẹp để nâng lãi suất mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Khả năng cao là cánh cửa này thậm chí đã đóng lại", ông nói thêm.
Hôm 27/6, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ông hy vọng việc nâng lãi suất sẽ kìm hãm lạm phát, nhưng không gây ra suy thoái kinh tế.
Giới quan sát cũng cho rằng NBER sẽ không chính thức thừa nhận một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, sự bi quan đã bao trùm Phố Wall. Giới đầu tư tin rằng ngay cả khi nền kinh tế chưa rơi vào suy thoái ở thời điểm này, một cuộc suy thoái sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc năm 2023.