Theo CNN, thời tiết nắng nóng và hạn hán kéo dài đang khiến các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc chật vật trong bối cảnh tăng trưởng chậm, lạm phát cao.
Mới đây, tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), toàn bộ nhà máy đã được yêu cầu đóng cửa trong 6 ngày để tiết kiệm năng lượng. Tại Đức, tàu chở than đá và hóa chất không thể đi qua sông Rhine như bình thường. Còn ở Bờ Tây nước Mỹ, người dân được đề nghị dùng ít điện lại khi nhiệt độ tăng vọt.
Thời tiết khắc nghiệt
Ông Ben May - Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics - cho rằng nếu tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài, nó "sẽ tác động đáng kể lên các khu vực chịu ảnh hưởng".
Mặc dù mức độ tổn thương còn tùy thuộc vào việc nắng nóng kéo dài bao lâu và lượng mưa còn thiếu hụt đến bao giờ, tuy nhiên, tại các quốc gia như Đức, giới phân tích đã cảnh báo khả năng tình hình dịu đi là khá thấp và các công ty đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Không chỉ mỗi sông Rhine, hàng loạt sông lớn như sông Dương Tử, sông Danube và sông Colorado, cũng đang khô cạn. Việc này khiến cho lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hệ thống tưới tiêu và khiến các nhà máy điện, nhà máy sản xuất khó làm mát hơn.
Bên cạnh đó, nắng nóng cũng cản trở hệ thống giao thông, gây căng thẳng nguồn cung điện và khiến năng suất lao động giảm sút.
Nói về tình hình hiện tại, ông Bob Ward - Giám đốc Chính sách và Truyền thông tại Viện nghiên cứu Môi trường và Biến đổi Khí hậu Grantham - cho rằng "biến đổi khí hậu không phải là điều mới xảy ra". "Đây chính xác là những gì chúng ta đã dự đoán và các sự kiện này sẽ còn diễn ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn trên khắp thế giới", ông nói.
Trung Quốc hiện phải đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong vòng 6 thập kỷ. Nhiệt độ đã vượt ngưỡng 40 độ C trên khắp cả nước. Tại Mỹ, nhiều vùng thuộc California có thể ghi nhận nhiệt độ lên 43 độ C. Đầu mùa hè này, nhiệt độ đã chạm mức 40 độ C tại Anh lần đầu tiên trong lịch sử. 63% diện tích đất liền thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh hiện phải chịu cảnh khô hạn hoặc cảnh báo khô hạn.
Thêm vào đó, châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và rủi ro suy thoái. Tăng trưởng tại Mỹ bị hạn chế bởi lạm phát và các đợt nâng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Còn Trung Quốc phải vật lộn với ảnh hưởng từ chiến dịch Zero-Covid và cuộc khủng hoảng bất động sản.
Tất cả khiến kinh tế toàn cầu vốn đã phải chịu nhiều chịu sức ép giờ còn nặng nề thêm.
Trung Quốc ngưng sản xuất
Nhận xét về tình hình hiện tại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết "đây là thời điểm khó khăn nhất trong việc ổn định kinh tế".
Thời tiết khắc nghiệt có thể càng làm trầm trọng thêm "các điểm nghẽn vốn có" trong chuỗi cung ứng.
Tỉnh Tứ Xuyên vốn là trung tâm sản xuất các sản phẩm bán dẫn và pin mặt trời của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thiếu điện đang tác động tiêu cực đến các nhà máy thuộc chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp điện tử lớn tại đây, như Foxconn hay Intel.
Hơn nữa, tỉnh này còn là trung tâm khai thác lithium - một thành phần chủ chốt làm pin xe điện. Việc đóng cửa nhà máy có thể khiến chi phí nguyên liệu thô tăng và gây áp lực lên các doanh nghiệp.
Một thành phố lân cận khác là Trùng Khánh cũng phải yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động trong một tuần để tiết kiệm điện.
Các chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ bị kéo tụt. Nomura hạ dự báo tăng trưởng nước này năm 2022 xuống 2,8% - thấp hơn rất nhiều mức mục tiêu 5,5% của chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, Goldman Sachs hạ xuống 3%.
Châu Âu không thể chuyển hàng
Trong khi đó, tại Đức, mực nước sông Rhine đã rơi xuống dưới mức báo động và cản trở hoạt động của tàu thuyền. Con sông này vốn là tuyến đường vận chuyển quan trọng với hóa chất, ngũ cốc và các loại hàng hóa như than đá - những sản phẩm đang có nhu cầu cao khi Đức tìm cách dự trữ nhiên liệu cho mùa đông.
Đứt gãy chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất. Ông Holger Lösch - Phó giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đức cho biết: "Việc các nhà máy hóa chất hay thép phải đóng cửa chỉ là vấn đề sớm muộn, các nguyên liệu không thể vận chuyển đến chỗ họ".
"Mực nước sông Rhine xuống thấp đã từng khiến GDP Đức giảm 0,3% trong năm 2018", ông Carsten Brzeski - Giám đốc Nghiên cứu Vĩ mô tại ING - cho biết. Tuy nhiên, năm đó, mực nước thấp không gây ra vấn đề quá lớn. Còn lần này, ông Brzeski ước tính nó sẽ khiến GDP Đức tụt ít nhất 0,5% trong nửa cuối năm.
Niềm tin vào nền kinh tế của người dân Đức đang dần thấp hơn nữa, nên ông Brzeski cho rằng nước này sẽ phải có một "điều kỳ diệu về kinh tế" để tránh khỏi suy thoái trong những tháng tới.
Mỹ chặt cây trồng, bỏ mùa vụ
Tại miền Tây nước Mỹ, hạn hán kỷ lục đang vắt kiệt các hồ chứa nước lớn nhất nước này, buộc chính phủ thực hiện các chính sách giảm sử dụng nước. Nó cũng khiến các nông dân phải chặt bỏ bớt cây trồng.
Mới đây, một khảo sát của của Liên đoàn nông nghiệp Mỹ (AFBF) đã chỉ ra rằng gần ¾ số nông dân nước này phải chịu ảnh hưởng nặng vì hạn hán năm nay.
Tại California, một tiểu bang chuyên canh tác cây ăn quả và cây lấy hạt, có tới 50% nông dân phải chấp nhận bỏ vụ mùa này. Điều này khiến cho sản lượng lẫn thu nhập của họ sụt giảm nghiêm trọng.
"Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn và diễn ra thường xuyên theo thời gian. Nó rất khó đoán và khiến chúng ta khó thích ứng", giáo sư Ward của Học viện Kinh tế London cho biết.
Chính vì vậy, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nền nông nghiệp, ông kết luận.