Trong năm 2022, thị trường xăng dầu luôn trong tình trạng khan hiếm vì nhiều lý do khác nhau. Giá mặt hàng này đã biến động rất mạnh, nhưng không phải lúc nào cũng tăng, mặc dù cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa kết thúc.
Sau khi tăng vọt vào tháng 3/2022, thị trường dầu đã không giữ được các mức giá lịch sử. Kết thúc năm, dầu Bent chỉ còn tăng khoảng 10%, trong khi dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng gần 7%.
Giá dầu đã giảm trong nửa cuối năm 2022 khi lãi suất của các ngân hàng đồng loạt tăng để chống lạm phát, khiến đồng USD mạnh lên. Điều đó làm cho các hàng hoá định giá bằng đồng USD, như dầu thô, trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Các nhà đầu tư đang thận trọng khi nhận định về triển vọng thị trường dầu trong năm 2023 bởi cảnh giác với việc tăng lãi suất và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
"Đây (năm 2022) là một năm đặc biệt đối với các thị trường hàng hoá, với những rủi ro nguồn cung dẫn đến sự biến động gia tăng và giá cả "nhảy múa". Năm tới sẽ là một năm khó đoán định nữa với nhiều bất ổn", chuyên gia phân tích Ewa Manthey của ING nhận định.
Trong khi nhu cầu đi du lịch trong dịp nghỉ lễ cuối năm tăng vọt và lệnh cấm bán dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đã hỗ trợ giá dầu, thì tình trạng nguồn cung khan hiếm trong năm tới dự kiến sẽ được bù đắp bởi mức tiêu thụ nhiên liệu giảm vì môi trường kinh tế xấu đi.
Kết quả một cuộc khảo sát của Reuters tiến hành ở 30 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng vào năm 2023, thấp hơn khoảng 4,6% so với mức 93,65 USD dự báo hồi tháng 11. Giá dầu Brent trung bình năm 2022 là 99 USD/thùng.
Họ dự báo giá dầu thô Mỹ năm 2023 sẽ trung bình 84,84 USD/thùng, so với mức 87,80 USD dự báo vào tháng 11.
"Chúng tôi cho rằng thế giới sẽ rơi vào suy thoái vào đầu năm 2023 do tác động của lạm phát cao và lãi suất tăng", Bradley Saunders, trợ lý kinh tế của Capital Economics, cho biết.
Dầu Brent đã giảm hơn 15% kể từ đầu tháng 11 và được giao dịch quanh mức 84 USD/thùng vào cuối năm do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc làm suy giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Mặc dù nhu cầu dầu tại Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2023, một đợt bùng phát số ca nhiễm COVID-19 gần đây đã làm giảm hy vọng về việc gia tăng nhu cầu ngay lập tức tại nước này.
Nhưng Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của OANDA, cho biết: "Thị trường dầu mỏ vẫn khan hiếm mặc dù triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu do lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng".
Hầu hết các nhà phân tích cho biết nhu cầu dầu sẽ tăng đáng kể trong nửa cuối năm 2023, do việc nới lỏng các hạn chế chống COVID-19 ở Trung Quốc và việc các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất.
Kết quả thăm dò cũng cho thấy các nhà phân tích nhận định tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga dự kiến sẽ ở mức tối thiểu.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: "Chúng tôi không nhìn thấy tác động từ mức giá trần, vốn được thiết kế để mang lại khả năng thương lượng cho người mua ở nước thứ ba".
Moscow mới đây đã ký một sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ cho các quốc gia G7 tham gia giới hạn giá trần từ ngày 1/2 trong vòng 5 tháng.
Công ty dữ liệu và phân tích Kpler cho biết: "Trong trường hợp xuất khẩu của Nga sụt giảm nghiêm trọng (điều mà chúng tôi không mong đợi sẽ xảy ra), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh của họ (được gọi là OPEC+) có thể sẽ sẵn sàng tăng sản lượng để ngăn giá tăng quá cao".