Thị trường hưng phấn quá đà, bi quan thái quá
Trong Tiêu điểm chứng khoán do MBS tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS cho rằng dòng tiền “khoẻ” giúp thị trường duy trì đà tăng. Minh chứng là nhịp điều chỉnh diễn ra rất nhanh, thậm chí đảo chiều từ sắc đỏ sang xanh ngay trong phiên giao dịch. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán xoay tua quanh các nhóm cổ phiếu khác nhau tìm cơ hội cho thấy tâm lý thị trường khá tích cực.
Đơn cử như nhóm bán lẻ tăng 8% trước kỳ vọng kết quả kinh doanh đã thực sự tạo đáy và chuẩn bị đi lên. Dù vậy, chuyên gia đánh giá kỳ vọng cho nhóm này hơi xa so với dự báo kết quả kinh doanh trong thời gian tới.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán dù chững lại nhưng vẫn trong xu hướng đi lên trước kỳ vọng thị trường tiếp tục cải thiện về thanh khoản, dòng tiền margin, tự doanh,… Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu chứng khoán đã tiệm cận P/B 2 lần.
Dù lợi nhuận dự báo đã tạo đáy và đi lên song còn cách rất xa đỉnh, trong khi đó nhiều CTCK có thể gặp khó khăn mạnh tay đầu tư mảng trái phiếu doanh nghiệp. Xét trên góc độ đầu tư, vị chuyên gia cho rằng nhóm chứng khoán đã có dấu hiệu đắt đỏ hơn đáng kể.
Đối với nhóm ngân hàng, ông Tuấn cho rằng có sự phân hoá nên nhà đầu tư cần chọn lọc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, một số nhóm như dầu khí, dịch vụ đi lên theo đà tăng của thị trường.
Nhận định chung về thị trường, chuyên gia cho rằng định giá không còn quá rẻ khi nhiều nhóm cổ phiếu tăng mạnh. “Bản chất của thị trường chứng khoán là hưng phấn quá đà, bi quan cũng thái quá”, chuyên gia MBS nhận định.
Yếu tố then chốt giúp thị trường vượt 1.200 điểm
Ông Tuấn dự báo thị trường vẫn tiếp tục xu hướng đi lên trong thời gian tới, song dòng tiền không quá dồi dào nên sẽ chọn lọc kỹ lưỡng hơn. Dù vậy, vị chuyên gia vẫn giữ nguyên quan điểm VN-Index có thể tiến lên 1.200 điểm trong 2023.
Lý giải về mức dự báo có phần khiêm tốn so với các tổ chức khác, ông Hoàng Công Tuấn cho rằng động lực đi lên của thị trường năm nay là xu hướng hạ nhiệt của lãi suất, không phải tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Do đó, lãi suất có tiếp tục hạ nhiệt hay không là yếu tố then chốt để quyết định thị trường vượt ngưỡng 1.200 điểm.
Mặt khác, Kinh tế trưởng MBS cho rằng vẫn còn nhiều trở lực cho đà tăng của thị trường.
Thứ nhất, động lực tăng trưởng lợi nhuận. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, tăng trưởng lợi nhuận dù có thể tạo đáy nhưng khó hồi phục mạnh mẽ. Dòng tiền khó hút vào mạnh đẩy giá cổ phiếu tăng quá cao khi kết quả kinh doanh kém ấn tượng.
Thứ hai, nguồn cung cổ phiếu. Thống kê trên HOSE, lượng cổ phiếu niêm yết tăng 30% so với năm 2021, nguyên nhân do hai năm trước nhiều doanh nghiệp, CTCK, ngân hàng tận dụng thời điểm thị trường thuận lợi huy động vốn, đẩy lượng cổ phiếu tăng cao.
“Nhiều kỳ vọng thị trường lên 1.400, 1.500 tỷ, nhưng tôi cho rằng không dễ. Để thị trường tăng mạnh về lại mức điểm trên, ước tính cần thêm 30% lượng tiền “bơm” vào thị trường, tương đương xấp xỉ 42.000 tỷ/phiên. Năm nay khả năng cao thanh khoản trung bình có thể đạt tối đa trên 20.000 tỷ, do đó mức dự báo VN-Index xấp xỉ 1.200 điểm là hợp lý ”, ông Hoàng Công Tuấn nhận định.
Với dự báo trên, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên có một chiến lược xuyên suốt trong quá trình đầu tư. Với những nhà đầu tư có xu hướng trading nhanh trên thị trường có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh này để cơ cấu lại danh mục với mức giá vốn hợp lý qua đó thu được lợi nhuận. Còn đối với những nhà đầu tư có xu hướng dài hạn hơn thì có thể tập trung vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ môi trường vĩ mô trong thời gian tới.