Kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 phục hồi tích cực từ nền tăng trưởng thấp do đại dịch Covid - 19 kéo dài. Tuy nhiên, giữa các biến động khôn lường của nền kinh tế toàn cầu, cộng thêm từ nội tại trong nước, nhiều dự báo năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam.
"Dấu ấn" kinh tế năm 2022
Trong năm 2022, kinh tế thế giới và Việt Nam đã trải qua nhiều biến động khó lường. Hàng loạt những bất ổn xảy ra, xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến nhiều hệ luỵ chi phối nền kinh tế trên toàn thế giới. Đáng chú ý là việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu bất chấp nhiều động lực tái định hình, xây dựng động lực cung ứng của các nền kinh tế. Sự tăng vọt của giá cả hàng hoá đầu vào, đặc biệt là năng lượng như xăng dầu kéo theo đó là nguy cơ bất ổn về an ninh lao động, xã hội.
Kết thúc năm 2022, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu ASEAN với mức tăng trưởng đạt gần 7,2%. Giữa tình hình lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát dưới 4%.
Kinh tế đang có sự phục hồi rõ rệt sau ảnh hưởng từ đại dịch Covid - 19, GDP năm 2022 ước tính đạt 432 tỷ USD trong khi năm 2021 đạt 363,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 342 tỷ USD, xuất siêu đạt 10,6 tỷ USD trong 11 tháng.
Đầu tư công đang tăng trong lĩnh vực hạ tầng và xây dựng thúc đẩy phát triển kinh tế. Vốn đầu tư công đạt khoảng 445,9 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9% kế hoạch năm và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân tích cực trong năm 2022 đạt khoảng 19,9 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành một “điểm sáng” trong “bức tranh kinh tế tối màu” của thế giới.
“Thuận lợi và cơ hội của Việt Nam trong 2022 là đã kiểm soát và ổn định được hệ thống tài chính, kiểm soát tỷ giá và lạm phát, kinh tế tài chính vĩ mô ổn định giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam tiếp tục thu hút FDI và lợi thế xuất khẩu do xu thế chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khu vực và các lợi thế nội tại về cải tiến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và ổn định kinh tế”, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế chia sẻ.
Chủ động ứng phó với ba "cơn gió nghịch"
Trước sức ép từ “hơi nóng” của kinh tế toàn cầu, dự báo năm 2023 sẽ có nhiều biến động và thách thức phức tạp khó lường sẽ tác động đến kinh tế nước ta. Điều này đã được nhìn thấy vào những tháng cuối năm 2022, tình trạng khan hiếm đơn hàng từ các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,… do tình hình lạm phát và nhu cầu mua sắm giảm.
Trước đó, vào tháng 9/2022, World Bank đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái có thể kéo dài ở năm 2023 và lâu hơn nữa. World Bank dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 2023 từ các trụ cột đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, thực hiện đạt các chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ trong năm 2023 là tăng trưởng GDP 6.5%, lạm phát 4.5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD.
Thách thức của 2023 từ bên ngoài và nội tại đang đặt ra bài toán lớn đối với nền kinh tế nước ta. Tại tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió nghịch” 2023 do VCCI và báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27/12 vừa qua, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 đã được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nhận định đang đứng trước ba “cơn gió nghịch” cần vượt qua đó là: chính sách thắt chặt tiền tệ, chiến tranh giữa Nga và Ukraine và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
“Bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng doanh nghiệp để “vượt cơn gió nghịch”. Với việc nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để doanh nghiệp có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ”, ông Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Trung Quốc đã thay đổi chính sách "Zero Covid" để mở cửa nền kinh tế. Như vậy, đây không còn là thách thức gây trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Điều này cũng là tin vui cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu và thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo Việt Nam sẽ ghi nhận tăng trưởng điều chỉnh vào 2023. Những thách thức của kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi suy thoái và lạm phát của các thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào các thị trường lớn và tương ứng là tác động của các biến động lãi suất từ các nước lớn, biến động ngoại hối; đồng thời, tác động của thị trường vốn do bất ổn, mất niềm tin trên thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu xáo động, khó khăn thanh khoản, áp lực trả nợ trái phiếu trong năm 2023… tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS. Đinh Thế Hiển cho biết đỉnh của lạm phát của thế giới sẽ nằm trong năm 2022, từng bước “hạ nhiệt” trong năm 2023 - dù vẫn còn ở mức cao, và sẽ đạt được sự ổn định vào năm 2024.
Theo ông Hiển, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý 1/2023 và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Ngoài ra, việc Nhà nước kiểm soát và giải quyết gốc rễ việc cung ứng vốn dưới chuẩn và đầu cơ của thị trường bất động sản sẽ từng bước đưa thị trường này về giá trị thực và ổn định trở lại. Điều này giúp cung ứng vốn cho nền kinh tế thực và các công ty sản xuất xuất khẩu là động lực quan trọng để kinh tế nội địa phát triển. Dự báo thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý 4/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh.