Theo TS Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang dần quay lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch. Tuy nhiên đà phục hồi của kinh tế Việt Nam đang gặp thử thách trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị thế giới gặp các bất ổn do các xung đột địa chính trị tại một số điểm nóng trên thế giới tác động đến thị trường hàng hóa và nguyên liệu đầu vào; chính sách điều hành tiền tệ kích cầu kinh tế tại Mỹ và EU đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức cao nhất trong vài thập niên; sự lệch pha trong điều hành và kích cầu kinh tế giữa các nền kinh tế lớn cũng tạo ra quan ngại về biến động tỷ giá và chiến tranh tiền tệ.
Hiện nay, tình trạng lạm phát tại các quốc gia như Mỹ, EU… đang ở mức cao nhất trong 10 năm. Nguyên nhân là do chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19, giá năng lượng và giá lương thực thực phẩm trong thời gian qua. Dự báo trong thời gian tới, tình trạng lạm phát của các nước như Mỹ, EU sẽ đạt đỉnh và giảm dần, song mức giảm sẽ không nhanh. Đến cuối năm 2023, tình trạng lạm phát mới có thể giảm xuống bằng giai đoạn trước dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, áp lực lạm phát lớn khi giá dầu tăng vọt lên trên 120 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nay giá dầu đã giảm nhờ giá dầu thế giới hạ nhiệt và việc điều chỉnh giảm thuế phí với mặt hàng xăng dầu. Với mức giá dầu ở mức 100 USD/thùng như hiện nay thì giá xăng tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ có nhiều dư địa để giảm. “Nếu giá dầu không vượt mức 120 USD/thùng thì bức tranh lạm phát của Việt Nam sẽ rất khả quan”, TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Cùng với giá xăng dầu, giá các mặt hàng lương thực thực phẩm như gạo, thịt heo cũng khá ổn định. Trong 12 tháng qua, giá hai mặt hàng này đã tăng song mức tăng cũng chỉ 8%.
Đối với Việt Nam, từ nay đến cuối năm, tình hình lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng. Trong tháng 7/2022, giá xăng dầu giảm nên CPI chỉ tăng 0.7% so với tháng 6. Ở kịch bản xấu nhất, giá tăng mỗi tháng khoảng 0,7% thì lạm phát bình quân 12 tháng vẫn chỉ khoảng 3,82%.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thành, mặc dù Việt Nam ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng những ưu tiên đó đặt trong bối cảnh vẫn phải tăng trưởng. Dự báo GDP năm 2022 có thể đạt 7,3 – 7,6%. Nguyên nhân là do 3 động lực chính của nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư tư nhân và xuất khẩu đều phục hồi. Song trong giai đoạn 3 năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ không quá khả quan.