Chia sẻ tại hội nghị “Chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo” ngày 17/6, ông Shon Young Il, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KOCHAM) cho biết sau khi Việt Nam gỡ bỏ lệnh giãn cách, rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến thị trường Việt Nam và gửi nhiều câu hỏi đến cơ quan này.
"Trước khi đầu tư họ sẽ hỏi những doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam về môi trường kinh doanh tại đây. Do đó, vấn đề là làm thế nào để các doanh nghiệp đã đầu tư nhìn nhận được tiềm năng đầu tư ở đây tốt, khuyến khích các doanh nghiệp đồng hương mạnh dạn đầu tư", đại diện KOCHAM nhấn mạnh.
Doanh nghiệp thiếu lao động
Trao đổi tại hội nghị, các doanh nghiệp Hàn Quốc đều đánh giá cao sự hỗ trợ từ Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương của Việt Nam. Ông Chang Bok Sang, Chủ tịch Tập đoàn CJ tại Việt Nam cho biết toàn bộ 24 công ty thành viên đang hoạt động ở nhiều tỉnh thành khác nhau đều nhận được sự hỗ trợ lớn, nhờ đó vượt qua được giai đoạn Covid-19 và tiếp tục mở rộng đầu tư.
Theo ông Lim Hankyu, Phó chủ tịch Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và Phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND), hai nước còn nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác công tư trong các phát triển hạ tầng giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, cầu cảng hay phát triển các công trình đô thị.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác, Việt Nam có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và dự án hỗn hợp PPP thông qua hợp tác giữa chính phủ với chính phủ (G2G), tức có thể sử dụng vốn ODA cho cơ sở hạ tầng liên kết hoặc một phần cơ sở hạ tầng để nâng cao tính khả thi của các dự án quy mô lớn.
Đồng thời, KIND cho rằng Chính phủ nên tích cực xúc tiến các dự án PPP được đề xuất, bởi khi đó dự án được đánh giá là khả thi theo phán đoán của các nhà đầu tư, từ đó dễ dàng tập hợp nhà đầu tư, tỷ lệ thành công cao hơn. Để làm được điều này, cần có chế độ điểm cộng cho bên đề xuất dự án khi đấu thầu.
Người lao động trong nước giờ đây không còn muốn làm những công việc nặng, còn người nước ngoài lại gặp khó khăn trong việc cấp giấy phép lao động tại Việt Nam
Ông Shon Young Il, Chủ tịch KOCHAM
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần được đảm bảo cơ cấu lợi nhuận ổn định thông qua các hình thức thanh toán có sẵn (available payment), đảm bảo lưu lượng tối thiểu (minimum traffic), đảm bảo thanh toán (payment guarantee). Trong trường hợp khó đưa ra phương án đảm bảo lợi nhuận truyền thống, cần phải chuẩn bị phương án thay thế mang tính sáng tạo.
Một nhà đầu tư Hàn Quốc khác đã hoạt động ở Việt Nam 5 năm qua cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vì lợi nhuận, mà còn muốn xây dựng mối quan hệ với Chính phủ và các địa phương. Do đó, bên cạnh xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp, họ muốn đồng hành phát triển các công nghệ cao như thành phố thông minh, để giúp Việt Nam thay đổi diện mạo, mang lại sinh kế cho người dân.
"Hiểu được điều đó, nên tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai chính phủ, từ đó có sự thống nhất từ Bộ Kế hoạch Đầu tư đến các địa phương để Việt Nam không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội phát triển nào", vị này chia sẻ.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp nước ngoài đang vướng mắc ở Việt Nam, theo ông Shon Young Il, là lực lượng lao động. Các doanh nghiệp hiện chỉ vận hành được khoảng 80% công suất. Ông chỉ ra tâm lý của người lao động trong nước giờ đây không còn muốn làm những công việc nặng, còn người nước ngoài lại gặp khó khăn trong việc cấp giấy phép lao động tại Việt Nam.
Thủ tục đầu tư sẽ đơn giản, nhanh gọn hơn
Trả lời các nhà đầu tư Hàn Quốc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông thừa nhận môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn cần tiếp tục hoàn thiện, một số dự án chưa có sự đồng bộ giữa các cơ quan bộ ngành và địa phương.
Do đó, vừa qua Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI. Bộ KHĐT cũng đã có văn bản trả lời gần 100 câu hỏi của các địa phương liên quan đến thủ tục cấp phép, đầu tư các dự án...
Liên quan đến vấn đề lao động, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách không phân biệt doanh nghiệp nội địa hay FDI, gần nhất là hỗ trợ người lao động quay lại làm việc như tiền thuê nhà, vay vốn thuê nhà, vay lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp xây nhà ở công nhân. Thủ tục cấp phép lao động cho người nước ngoài cũng đã được đơn giản hóa, thay vì yêu cầu có bằng cấp phù hợp chuyên môn, giờ đây chỉ cần có đủ kinh nghiệm với lĩnh vực phù hợp.
"Sắp tới các dự án sẽ được triển khai nhanh hơn vì chúng tôi đã có sự hợp tác thống nhất hơn. Các điều chỉnh về luật pháp, quy định... cũng theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài", ông Trần Duy Đông khẳng định.
Năm 2021, Hàn Quốc là nước đầu tư trực tiếp lớn thứ 2 tại Việt Nam với tổng mức đầu tư trong năm đạt 7,4 tỷ USD , tăng 85% so với năm 2020. Đây cũng là nước cấp viện trợ phát triển lớn thứ 2 cho Việt Nam với mức cam kết 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020.
Định hướng của Việt Nam trong thời gian tới là ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.