Nhiều người trẻ tìm đến trà như thức uống hàng ngày thay vì cà phê hay nước ép. Ảnh: Anna Pou/Pexels.
Sau chuyến bay hơn 1.000 km từ TP.HCM ra Hà Nội, Tuấn Thanh (sinh năm 1992) vội xách vali đến tiệm trà quen thuộc để thưởng thức loại matcha (trà xanh) mới.
Anh uống matcha trong trà oản (bát đủ lớn để đánh tan trà bột vào nước) ngay sau khi thức uống này được pha chế bởi trà nương.
Vừa đặt bát xuống, anh tấm tắc: "Ngon".
Mặc dù thấm mệt sau chuyến bay dài, Tuấn Thanh vẫn mong muốn ở lại trò chuyện với chủ tiệm và các trà nương về một số loại trà mới. Anh thậm chí còn yêu cầu chủ quán gửi những sản phẩm hảo hạng vào TP.HCM để tự pha tại gia.
"Càng đi nhiều nơi, thử nhiều loại trà, tôi càng trở nên khó tính. Có cơ hội uống một tách trà thơm và đàm đạo với những bạn trà lâu năm, tôi không muốn bỏ lỡ", Thanh chia sẻ với Zing.
Không ngại đi xa, tốn kém để thưởng trà
Theo học kiếm đạo Nhật Bản (Kendo), Tuấn Thanh cho biết giáo viên của anh là một trà sư có tiếng. Không chỉ dạy kiếm, cô giáo còn hướng dẫn anh thưởng thức trà. Sau khi nằm lòng trà lễ kiểu Nhật Bản, chàng trai mong muốn tìm hiểu và trải nghiệm thêm các thức trà khác.
Đã thử trên dưới 20 loại trà, Tuấn Thanh cho biết anh không phân biệt trà thương mại hay trà đặc sản. Anh thường sử dụng các loại trà như hồng trà, ô long hay trà xanh như thức uống hàng ngày. Tuy nhiên, để thưởng thức, anh vẫn ưa chuộng các mẫu shan tuyết, thiết quan âm, trà thóc...
Tuấn Thanh sẵn sàng chi trả hàng triệu đồng để thử nghiệm một loại trà hảo hạng.
Về số tiền đã chi trả cho thức uống này, Thanh cho biết anh không tính toán được.
"Với cà phê, tôi chi khoảng 300.000 đồng/kg cho loại hạt có chất lượng ổn. Với trà, tôi sẵn lòng bỏ ra một triệu đồng cho một kg trà nhài. Tôi cũng từng thử một loại trà đặc biệt có giá lên tới 2 triệu đồng/100 gr", Tuấn Thanh tâm sự.
Không chỉ sẵn sàng chi trả, Thanh còn đi nhiều nơi để thử các thức trà ngon và lạ.
Sinh sống và làm việc tại TP.HCM, anh nhiều lần đặt vé máy bay gấp gáp ra một số tỉnh thành miền Bắc và miền Trung để trải nghiệm các mẫu trà đặc sản.
Trong một chuyến đi miền Trung, Tuấn Thanh có cơ hội thưởng thức các loại trà hoa. Những tách trà thơm và ngọt tự nhiên được pha chế từ lá cây chè shan tuyết ướp hoa. Thanh cho biết thêm anh luôn ấn tượng với vị ngọt tự nhiên hơn vị ngọt được tạo ra bởi hương liệu.
Khi ra miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, Thanh thường ghé thăm những trà quán phục dựng không gian chơi trà truyền thống.
"Với mái tóc tẩy xám bạc và hình xăm kín hai cánh tay, tôi nhận được khá nhiều ánh nhìn khó hiểu của các trà khách khác khi xuất hiện trong những không gian cổ điển như vậy", Tuấn Thanh hóm hỉnh nói.
Nhiều người cho rằng trà vốn dĩ là thức uống của người có tuổi, người trẻ chỉ phù hợp với các loại trà sữa, trà trái cây bày bán trong hàng quán.
Nhưng đối với Tuấn Thanh, những người trẻ như mình tìm về với trà là thuận theo dòng chảy hồi lưu. Theo anh, từ trước đến nay người Việt thường kỵ vị chua và ưa vị đắng chát. Đó là lý do các sản phẩm cà phê (vốn khó loại bỏ vị chua) không thể thay thế trà nước.
Kim Luân đầu tư cho thú thưởng trà tại gia với không gian được thiết kế riêng biệt.
Không đi xa như Tuấn Thanh, Kim Luân (26 tuổi, Bình Định) đầu tư cho thú thưởng trà tại gia. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, anh trở về phòng trà được thiết kế riêng tại nhà, bật một bản nhạc thiền, đốt ít hương trầm và bắt đầu tráng ấm pha trà.
Góc uống trà được Luân tự tay sắp xếp. Đều đặn, anh sẽ cắm một bình hoa tươi, thường là những loại mang ý nghĩa tao nhã như sen, cúc để khiến quá trình thưởng trà thêm ý vị.
Trên chiếc bàn dài 2 m, tất cả trà cụ của anh được bày ngay ngắn: ấm nước sôi, ấm trà, dụng cụ lấy trà, chén tống (lọc trà, trộn đều trà), chén quân (chén uống trà)…
Nhờ vậy, Luân có thể ngắm được hết tất cả đồ dùng mình có và khi sử dụng có thể tìm thấy dễ dàng.
Kim Luân quan niệm nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm. Hiện tại, Luân có khoảng 5-6 chiếc ấm phục vụ cho sở thích của mình.
Tuy nhiên, anh không phân loại ấm chén theo bộ, mà hay phối hợp ngẫu nhiên tùy vào cảm xúc và hoàn cảnh uống trà.
Ưa chuộng những chiếc ấm được làm hoàn toàn thủ công, Luân thường tìm đến tận lò nung và đặt hàng. Với những sản phẩm thể hiện sự công phu từ chất liệu đến họa tiết như vậy, giá thành thường cao gấp 4-5 lần so với ấm chén bày bán tại cửa hàng.
Với một số loại đặc biệt như ấm trà Tử Sa, chàng trai phải cất công nhờ bạn đặt hàng từ Trung Quốc.
Theo chia sẻ của Luân, chỉ vùng Nghi Hưng (Trung Quốc) mới có loại đất sét phù hợp để chế tác chiếc ấm này. Chất đất càng lâu, pha trà càng ngon. Thân ấm được khắc những họa tiết hoa, chim và thơ cổ. Bởi vậy, sở hữu ấm giống như sưu tầm tác phẩm nghệ thuật.
Thường bận rộn vào ban ngày, Kim Luân chỉ có thể theo đuổi thú trà nước vào ban đêm. Thưởng trà khi trăng lên, anh cho biết: "Cách thưởng thức này mang đến một cảm giác mới lạ, giúp tôi đánh thức các giác quan, đồng thời học hỏi được các cách thức pha trà, các triết lý có trong trà".
Có thói quen uống lúc đêm tối nên anh chọn hồng trà vì không gây mất ngủ, cụ thể là hai loại Đông Phương Mỹ Nhân và Kim Tuấn Mi. Trà Đông Phương có hương vị như quả chín, được lên men độc đáo. Còn Kim Tuấn Mi có vị trà ngọt, không chát và hương thơm lạ.
Trà khách ngày càng trẻ
Kinh doanh một trà quán nhỏ nằm trên tầng 2 khu tập thể cũ tại trung tâm thành phố Hà Nội, Việt Bắc (38 tuổi) cho biết anh đã có 12 năm quan sát rất nhiều lượt trà khách. Vài năm gần đây, anh có cơ hội đón tiếp nhiều khách hàng trẻ tuổi thế hệ Millenials và Z.
Việt Bắc cho biết trà khách đến với quán anh ngày càng trẻ.
Theo Bắc, việc người trẻ tìm về với trà không phải một xu hướng. Xu hướng mang tính chất tạm thời, trong khi trà chưa bao giờ mất đi.
Thức uống này luôn tồn tại trong đời sống hàng ngày của giới trẻ dưới các hình thức như trà sữa, trà chanh, trà trái cây...
Chủ quán trà này cho biết anh phản đối việc những người trong ngành tẩy chay các sản phẩm là biến thể của trà. Quy trình của một người trải nghiệm trà là thử - thích - say mê - nghiên cứu.
Việt Bắc cho rằng người trẻ cần thử trà qua các chế phẩm khác nhau để có thể nảy sinh tình yêu, song những người làm nghề với lối nghĩ cũ mòn lại đòi hỏi thế hệ mới lập tức say sưa với thức uống này.
"Yêu là câu chuyện của giác quan. Trà khách phải ngửi thấy thơm, uống thấy ngọt, thì mới có thể rung động", Việt Bắc giải thích.
Trà khách trẻ đang có xu hướng ưa chuộng mô hình trải nghiệm.
Mới mở một trà quán tại TP Thủ Đức (quận 2 cũ), TP.HCM, Thành Trung (28 tuổi) cho biết 60% khách hàng của anh có độ tuổi từ 25-30.
Họ thường tìm đến tiệm khi đọc được bài đăng trên mạng xã hội của bạn bè hoặc người thân có chung niềm đam mê.
"Tôi không quảng cáo bao giờ. Thời buổi nào marketing truyền miệng cũng hiệu quả. Bây giờ, chúng ta lại có mạng xã hội nữa", Trung cười và nói.
Trà quán của Trung kinh doanh theo mô hình trải nghiệm. Cụ thể, trà khách sẽ được chọn trà, ngửi thử, pha và uống trà.
Theo Thành Trung, hình thức kinh doanh này thu hút nhiều người trẻ mong muốn chứng kiến tận mắt quy trình pha chế một ấm trà.
Chủ quán trà này cũng thừa nhận anh đã học tập và phát triển mô hình trải nghiệm trà từ ngành cà phê. Trung cho rằng sau làn sóng "specialty coffee" (cà phê đặc sản), khách hàng trẻ sẽ khơi dậy làn sóng "specialty tea" (trà đặc sản).