Bão sa thải càn quét thị trường
Thị trường bất động sản đi qua giai đoạn bùng nổ, thanh khoản trở nên khó khăn, hoạt động môi giới cũng bớt phần thăng hoa. Theo đó, không ít doanh nghiệp môi giới bất động sản phải cắt giảm nhân sự nhằm tinh gọn bộ máy và giảm chi phí hoạt động. Cùng đó, không ít môi giới cũng chủ động nghỉ việc hoặc tìm duy trì công việc môi giới song song với nghề khác.
Trong cơn bĩ cực của ngành bất động sản, lượng nhân sự của doanh nghiệp nghiệp sụt giảm nhanh chóng, đặc biệt là doanh nghiệp môi giới bất động sản. Đơn cử, báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã chứng khoán: DXS) cho thấy sự sụt giảm đáng kể về quy mô nhân sự. Cụ thể, tính đến ngày 31/3 doanh nghiệp này chỉ còn 2.095 nhân sự, trong khi quý trước đó là 3.340 nhân sự, tức giảm 1.245 nhân sự. Nếu so sánh với thời điểm lượng nhân sự của doanh nghiệp này vào quý II/2022 là 7.191 thì quý gần đây doanh nghiệp này chỉ còn chưa tới 30% nhân sự.
Theo báo cáo chuyên đề về thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tình hình ngày càng khó khăn khiến trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số sàn giao dịch bất động sản phải giảm quy mô lao động trên 20% so với quý 2/2022. Một số công ty có quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với hơn 90% người lao động, gần như ngừng hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu. Hoặc dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc hoặc chuyển sang chế độ không lương - cộng tác viên, cắt giảm lương tùy cấp bậc,... Do không còn nguồn lực cầm cự.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp môi giới đã tiếp tục sa thải thêm 10% - 20% nhân sự so với cuối năm 2022. Trước bối cảnh trên, mức lương của các nhân sự đều bị cắt giảm. Có tới hơn 40% sàn bất động sản cho biết họ buộc phải cắt giảm lương nhân sự từ 10% - 20%. Hơn 44% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải thực hiện biện pháp cắt giảm quy mô nhân sự, để không phải cắt giảm lương.
Theo khảo sát của VARS, số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022.
"Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại", VARS nhận định.
Thị trường ghi nhận 1 lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động (do thu nhập không đủ sống), và bị động (do Doanh nghiệp sa thải, Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, Doanh nghiệp phá sản...).
Mặc dù trên thị trường bất động sản đã đào thải một lượng lớn nhân sự môi giới, song nhiều doanh nghiệp môi giới hiện nay đưa ra những chế độ hấp dẫn vẫn không tuyển dụng nhân sự.
Môi giới bất động sản mất niềm tin?
Anh Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời điểm thị trường diễn biến sôi động quy mô nhân sự của văn phòng của anh là 50 môi giới. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn hơn 10 người tiếp tục làm, còn lại đã nghỉ việc.
“Để chuẩn bị cho giai đoạn mới của thị trường, công ty tôi tuyển dụng thêm 10 môi giới làm việc. Biết rằng thị trường còn nhiều khó khăn về thanh khoản nên tôi chấp nhận dù môi giới không có giao dịch vẫn sẽ được duy trì lương cứng ở mức 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, suốt 1 tháng nay mới chỉ nhận được 3 hồ sơ xin việc”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, mặc dù nhiều môi giới bị sa thải hoặc không có lương cứng duy trì cuộc sống nên đã nghỉ việc, song vẫn rất khó tuyển người. Họ cũng sợ rằng thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng kéo dài, sẽ không có hoa hồng mà chỉ duy trì với lương cứng.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng, hiện lượng môi giới nghỉ việc hẳn chiếm khoảng 60%; môi giới làm song song việc bán bất động sản và công việc khác chiếm khoảng 15 - 20%; và chỉ còn 20% môi giới đang làm việc trên thị trường.
“Mặc dù môi giới nghỉ việc rất nhiều nhưng bản thân doanh nghiệp tôi tuyển dụng cũng rất khó tìm người ở tất cả các cấp độ. Trong khi đó, mức lương cứng bên tôi gần như cao nhất thị trường. Nguyên nhân do niềm tin của môi giới vào thị trường.
Cụ thể, thứ nhất là niềm tin vào thanh khoản trên thị trường. Họ sợ thị trường bất động sản sẽ vẫn rơi vào trầm lắng dài, không có giao dịch. Thứ hai là niềm tin và phí hoa hồng, họ sợ các chủ đầu tư và sàn môi giới khó khăn sẽ không trả được khoản này hoặc nợ lâu”, ông Quê nói.
Thực tế, thời gian qua có nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính đã chậm trả hoặc không trả được hoa hồng cho các sàn hoặc môi giới. Tại talkshow “Môi giới bất động sản và sứ mệnh vực dậy niềm tin thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức, bà Phạm Thị Nguyên Thanh, CEO Đất Xanh Services giãi bày: “Đối với doanh nghiệp môi giới, nguồn tiền chính là phí môi giới. Giai đoạn vừa qua chúng ta điêu đứng vì chủ đầu tư chậm phí. Hiện nay các công ty thành viên của chúng tôi, có công ty phải lập riêng một ban chuyên trách chỉ đi đòi nợ”.