Các vụ cháy rừng tại Hy Lạp trở nên tàn khốc hơn trong những năm gần đây khi mùa hè khô hơn, nóng hơn và nhiều gió hơn do các tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: THX.
Thứ hai (22/7) vừa được ghi nhận là ngày nóng nhất từ trước đến nay trên toàn cầu, phá vỡ kỷ lục được thiết lập một ngày trước đó, khi các quốc gia trên thế giới từ Nhật Bản, Bolivia đến Mỹ tiếp tục bị nắng nóng càn quét, theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu châu Âu.
Dữ liệu vệ tinh tạm thời do Copernicus công bố hôm 24/7 cho thấy nhiệt độ hôm thứ hai đã phá kỷ lục của ngày hôm trước 0,06 độ C (0,1 độ F).
Các nhà khoa học khí hậu cho biết thế giới hiện nay ở mức nhiệt độ như 125.000 năm trước vì biến đổi khí hậu do con người gây ra. Trong khi các nhà khoa học không thể chắc chắn rằng thứ hai vừa qua là ngày nóng nhất trong suốt thời kỳ đó, nhiệt độ trung bình chưa cao đến mức này kể từ rất lâu trước khi con người phát triển nông nghiệp.
Sự gia tăng nhiệt độ trong những thập kỷ gần đây theo đúng chiều hướng với những gì các nhà khoa học khí hậu dự đoán sẽ xảy ra nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch với tốc độ ngày càng tăng.
“Chúng ta đang ở trong thời đại các dữ liệu về thời tiết và khí hậu thường xuyên vượt quá mức chịu đựng của con người, dẫn đến những thiệt hại không thể khắc phục được về nhân mạng và sinh kế”, Roxy Mathew Koll, nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ, nói với AP.
Dữ liệu sơ bộ của Copernicus cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu hôm thứ hai là 17,15 độ C, hay 62,87 độ F.
Theo Copernicus, trong khi năm 2024 đã cực kỳ ấm áp, điều khiến tuần này bước sang một tình thế mới là mùa đông ở Nam Cực ấm hơn bình thường. Điều tương tự cũng xảy ra ở lục địa phía nam vào năm ngoái khi kỷ lục được xác lập vào đầu tháng 7. Các ghi chép của Copernicus bắt đầu từ năm 1940, nhưng các phép đo toàn cầu khác của chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh thậm chí còn có niên đại xa hơn, đến năm 1880. Theo nhiều nhà khoa học - bao gồm cả các chuyên gia ở Copernicus - gần như chắc chắn đó là nền nhiệt nóng nhất mà hành tinh từng thấy trong 120.000 năm qua, dựa trên những gì biết được từ hàng thiên niên kỷ dữ liệu khí hậu được trích xuất từ vòng cây, rạn san hô và lõi trầm tích biển sâu.
Giờ đây, 6 tháng đầu năm 2024 đã vượt qua cả những con số đó.
Nếu không vì biến đổi khí hậu do con người gây ra, các nhà khoa học cho rằng các kỷ lục về nhiệt độ khắc nghiệt sẽ không bị phá vỡ thường xuyên như những năm gần đây.
Cựu trưởng nhóm đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc Christiana Figueres cho biết “tất cả đều sẽ bị thiêu rụi” nếu thế giới không thay đổi hướng đi ngay lập tức.
Bà nói: “Một phần ba điện năng toàn cầu có thể được sản xuất chỉ bằng năng lượng mặt trời và gió, nhưng các chính sách mục tiêu của quốc gia phải tạo điều kiện cho sự chuyển đổi đó”.