Theo Bloomberg, những người hâm mộ bóng đá đều hiểu rằng chuyến đi tới Qatar xem World Cup không hề rẻ. Nhưng khi đồng tiền của nước họ mất giá, chi phí còn tăng cao hơn nữa, nhất là với các du khách Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.
Chi phí từ khách sạn đến lon nước ngọt ở sân vận động đang đè nặng lên du khách.
Đồng riyal của Qatar neo với USD, vốn đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ đầu năm. Một thước đo về sự biến động trên thị trường ngoại hối vào năm nay đang ở mức trung bình cao nhất kể từ năm 2016. Một phần nguyên nhân là xung đột Nga - Ukraine và một loạt đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá trên trời
Trong năm nay, đồng riyal đã mạnh lên 9% so với đồng won của Hàn Quốc, vốn bị đè nặng bởi xuất khẩu suy yếu và thị trường nhà ở lao dốc.
Đồng tiền Qatar cũng tăng gần 17% so với đồng yen và gần 10% so với bảng Anh. Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh đều vượt qua vòng bảng World Cup 2022.
"Việc chuẩn bị cho chuyến đi xem World Cup là một gánh nặng về cả thể chất lẫn tài chính", anh Choung Jongchan, một nhân viên bán hàng 32 tuổi đến từ Hàn Quốc, nói với Bloomberg.
Anh đã chuẩn bị cho chuyến đi tới Qatar từ một năm trước. Đó là một chặng đường dài với nhiều đêm thức trắng để săn vé và đổi lấy chỗ ngồi đẹp hơn.
Đồng USD mạnh lên khiến giá vé tăng cao. Anh Chong cũng phải trả 5% phí hoa hồng cho nền tảng bán lại vé.
Qatar cấm bán đồ uống có cồn ở sân vận động World Cup, nhưng du khách có thể mua một chai Budweiser tại một số khu vực nhất định. Đáng nói, giá của chúng lên tới 50 riyal (13,6 USD), gấp gần 10 lần giá ở một cửa hàng tiện lợi bất kỳ tại Hàn Quốc.
Các du khách Nhật Bản bị sốc vì giá bán ở sân vận động World Cup. Hồi tháng 10, đồng yen đã rơi xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ so với đồng bạc xanh.
"Một chai nước có giá khoảng 400 yen (3 USD), Coca-Cola 600 yen. Đó là một gánh nặng lớn", ông Kazunori Takishima - 46 tuổi, chủ một doanh nghiệp bất động sản ở Tokyo - bình luận.
Ông tưởng chỉ phải trả 25-30 yen cho mỗi đồng riyal trong chuyến đi. Nhưng thực tế, con số đó lên tới 35-40 yen.
Tỷ giá biến động mạnh
Trên thực tế, Qatar đã đưa ra một số biện pháp để ngăn giá bị đẩy lên quá cao, trong đó có cấm bán vé chui, quản lý chi phí ăn ở thông qua trang web chính thức. Du khách có vé xem World Cup sẽ được sử dụng dịch vụ giao thông công cộng và kết nối Internet miễn phí.
Nhưng những biện pháp này không đủ để giảm thiểu tác động của lạm phát và đồng USD mạnh lên.
"Một số khách sạn chốt giá 6 ngày trước khi nhận phòng. Do đó, ngay cả khi các vị đã đặt phòng trước nhiều tháng, tiền phòng vẫn bị chênh lên vì tỷ giá hối đoái tăng cao", anh Choung chia sẻ.
Một số khách sạn chốt giá 6 ngày trước khi nhận phòng. Do đó, ngay cả khi các vị đã đặt phòng trước nhiều tháng, tiền phòng vẫn bị chênh lên vì tỷ giá hối đoái tăng cao
Anh Choung Jongchan, một nhân viên bán hàng 32 tuổi đến từ Hàn Quốc
Hồi tháng 7, anh Aminoor Rashid, 40 tuổi, làm việc trong cơ quan thuế tại Anh, đã nhờ một người bạn ở Doha mua vé hộ. Thời điểm đó, đồng bảng Anh giảm 12% so với đồng riyal.
"Tôi rất lo lắng vì đồng bảng mất giá nghiêm trọng so với USD", anh Rashid chia sẻ. Đây là lần đầu tiên anh xem trực tiếp World Cup.
"Nhưng tôi không bị chi tiêu quá tay. Tôi may mắn vì có thể ở cùng nhà bạn", anh nói thêm.
Anh Im Sung Min, một nhân viên bán hàng 29 tuổi đến từ Hàn Quốc, đã đặt trước hầu hết mọi thứ vào thời điểm đồng USD chưa tăng mạnh. Tuy nhiên, anh vẫn lên kế hoạch mang đồ ăn và nhu yếu phẩm đi theo phòng trường hợp cạn tiền.
Dĩ nhiên, cảm giác phấn khích khi xem trực tiếp các trận đấu khiến người hâm mộ quên đi phần nào gánh nặng tài chính.
“Tôi sẽ không bỏ lỡ kỳ World Cup cuối cùng của các ngôi sao bóng đá, Son Heung-min, Lionel Messi và Cristiano Ronaldo", anh Choung chia sẻ.