Cách đây 14 năm, toàn thế giới đã rúng động vì một trong những ngân hàng lớn nhất và lâu đời nhất là Lehman Brothers sụp đổ. Việc Lehman phá sản đã khiến nhiều ngân hàng sụp đổ theo, cùng rất nhiều hậu quả nặng nề mà phải mất vài năm sau mới có thể khắc phục được một phần.
Tới năm nay, khi mà những tác động của dịch Covid - 19 còn chưa được khắc phục hết, người ta lại nhìn thấy một tương lai vô cùng ảm đạm đối với một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới hiện nay là Credit Suisse.
"Bà đỡ" vốn cho các tập đoàn lớn của Việt Nam
Tại Việt Nam, Credit Suisse là nhà tài trợ vốn quen tên của các Tập đoàn lớn như Vingroup, Masan Group...
Tại thời điểm cuối quý 2/2022, Credit Suisse (Singapore, Hongkong &Shanghai) và Morgan Stanley Asia đang nắm 11.440 tỷ đồng trái phiếu của Vingroup, đáo hạn vào tháng 4/2026. Trái phiếu này có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của Vinhomes,
Đồng thời, Deutshe Bank AG (Singapore) và Credit Suisse Singapore đang nắm 14.178 tỷ đồng trái phiếu Vingroup, đáo hạn vào tháng 5/2027. Trái phiếu có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của VInFast Trading&Investment.
Mới đây nhất , vào tháng 7/2022, VinFast ký kết Thỏa thuận Thu xếp vốn quốc tế với Credit Suisse và Citigroup trong việc tư vấn bảo lãnh cho các giao dịch huy động vốn toàn cầu. Mỗi hợp đồng ký kết có giá trị tối thiểu khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào việc xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina và các hoạt động đầu tư kinh doanh của VinFast tại thị trường Mỹ.
Công ty VinFast Trading and Investment Pte. Ltd. (một công ty con của Vingroup có trụ sở tại Singapore) đã tiến hành ký kết Thỏa thuận khung, chỉ định ngân hàng Credit Suisse (Singapore) Ltd. là bên thu xếp cho các đợt phát hành, chào bán chứng khoán của VinFast hoặc công ty con trên toàn cầu với quy mô tối thiểu 2 tỷ USD.
Trong nhiều năm, Credit Suisse Limited (Singapore) đóng vai trò là đơn vị tư vấn tài chính cho Masan Group trong các thương vụ huy động vốn quốc tế. Credit Suisse (Hong Kong) Limited từng nắm hàng chục triệu cổ phiếu MSN trước khi chuyển giao cho các cá nhân.
Gần nhất, Nghị quyết HĐQT Tập đoàn Masan thông qua việc ký hợp đồng tín dụng với BNP Paribas, Credit Suisse AG – chi nhánh Singapore, Standard Chartered Bank (Singapore) Limited, HSBC – chi nhánh Singapore và các bên khác (nếu có).
Theo đó, Masan Group được vay tổng số tiền ban đầu không vượt quá 205 triệu USD, cùng với quyền chọn gia tăng khoản vay thêm tối đa 45 triệu USD. Như vậy, tổng số tiền vay tối đa là 250 triệu USD, tương đương hơn 5.800 tỷ đồng.
Đồng thời, HĐQT Masan Group cũng phê duyệt việc công ty TNHH The Sherpa - công ty con thuộc sở hữu trực tiếp của tập đoàn - ký kết hợp đồng tín dụng với các bên nêu trên. The Sherpa được vay tổng số tiền ban đầu không vượt quá 170 triệu USD, cùng với quyền chọn gia tăng khoản vay thêm tối đa 180 triệu USD. Tổng số tiền vay tối đa lên tới 350 triệu USD, tương đương hơn 8.100 tỷ đồng. Masan Group bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán của The Sherpa liên quan và phát sinh từ hợp đồng tín dụng.
Với Novaland, Credit Suisse cũng là nhà tài trợ vốn quen thuộc. Tại thời điểm 30/06, Novaland đang vay Credit Suisse AG (CN Singapore) 3.350 tỷ đồng.
Vì sao Credit Suisse vướng tin đồn phá sản?
Với lịch sử 166 năm của mình, Credit Suisse đã phát triển và trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu tại châu Âu và thế giới. Trong dịch Covid - 19, họ là một trong những ngân hàng ít chịu ảnh hưởng nhất, với doanh thu ổn định ở mức trên 22,5 tỷ CHF từ năm 2019 đến năm 2021. Tuy nhiên lợi nhuận của ngân hàng này giảm dần qua từng năm, khi họ đạt gần 5 tỷ CHF lợi nhuận trước thuế năm 2020, rồi âm 600 triệu CHF vào 2 năm sau đó.
Điều này cho thấy việc kinh doanh không tích cực của Credit Suisse trong 2 năm gần nhất, dù lượng tài sản quản lý vẫn được duy trì ở mức trên 1.500 tỷ CHF. Đến hết quý 2 năm nay, kết quả kinh doanh thậm chí còn kém hơn năm ngoái, với doanh thu chỉ 8 tỷ CHF (giảm 39% cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế âm tới 1,6 tỷ CHF, trong khi cùng kỳ năm trước họ đạt mức 56 triệu CHF.
Trong các mảng kinh doanh của Credit Suisse, chỉ mảng quản lý tài sản và ngân hàng truyền thống là đem lại lợi nhuận cho họ trong 6 tháng đầu năm 2022. Hai mảng kinh doanh chính của Credit Suisse là quản lý tài sản cho người giàu (Wealth Management) và ngân hàng đầu tư (Investment Banking) thua lỗ khá nặng trong giai đoạn này đã làm ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của họ.
Trong đó, một dự án được kỳ vọng sẽ soán ngôi các quỹ đầu tư khác và nằm trong mảng kinh doanh quản lý tài sản cho người giàu của họ là AllFunds cũng gây ra khoản lỗ lên tới 168 triệu CHF cho Credit Suisse chỉ tính riêng trong quý 2/2022.
Nguyên nhân của việc này là do sự sụt giảm của thị trường cổ phiếu tại nhiều quốc gia sau đại dịch (phản ánh qua việc thua lỗ của AllFunds), lợi suất trái phiếu cũng tăng cao (khiến giá giảm mạnh) làm cho việc đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và dẫn đến việc kết quả kinh doanh của ngân hàng tương đối xấu trong năm nay.
Kết quả kinh doanh thua lỗ của CS trong nửa đầu năm 2022 (Ảnh: Credit Suisse)
Thêm vào đó, danh tiếng của Credit Suisse cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thương vụ đầu tư vô trách nhiệm dẫn đến thua lỗ hàng tỷ USD.
Một trong số đó là vụ việc gắn liền với quỹ đầu tư Archegos, khi ngân hàng Thụy Sĩ này phải ghi nhận một khoản lỗ lên tới 4,7 tỷ USD. Việc sử dụng dịch vụ từ quỹ của một người từng “dính chàm” là Bill Hwang đã gây ra hậu quả khổng lồ với Credit Suisse, và họ buộc phải bán tháo cổ phiếu nhằm vớt vát lại phần nào khoản tiền đầu tư của mình.
Không dừng lại ở đó, Credit Suisse cũng là chủ nhân của một loạt quỹ đầu tư để mua lại các khoản vay thế chấp bằng chứng khoán của Greensill – một công ty Fintech để rồi phải đóng cửa các quỹ này.
Những nhà đầu tư của Credit Suisse vào các quỹ nêu trên đã phải gánh chịu một khoản lỗ được ước tính lên tới 3 tỷ USD. Gần nhất, thông tin về hàng chục nghìn khách hàng với tổng tài sản lên tới 100 tỷ CHF của ngân hàng đã bị lộ, với nhiều người được cho là hoạt động phi pháp để kiếm tiền.
Hàng loạt vụ đầu tư thua lỗ của Credit Suisse, nổi bật là Greensill và Archegos (Ảnh: Financial Times)
Không dừng lại ở đó, chỉ số CDS (Credit Default Swaps) của Credit Suisse đã tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm tới nay. Chỉ số này cho thấy chi phí bảo hiểm vỡ nợ của ngân hàng này đã tăng đột biến từ 55 điểm lên gần 250 điểm cơ bản – cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 tới nay.
Đây là lý do vì sao Credit Suisse liên tục được so sánh với Lehman Brother trong một vài ngày gần đây. Hơn nữa, giá cổ phiếu của ngân hàng này liên tục giảm, từ mức 15,72 CHF cuối năm 2017 xuống chỉ còn chưa tới 4 CHF vào thời điểm hiện tại cũng là một tín hiệu đáng báo động với họ.
Việc chỉ số CDS của CS đạt mức cao nhất kể từ 2009 tới nay làm nhiều người lo ngại về nguy cơ ngân hàng này phá sản (Ảnh: Kripa Jayaram, nguồn Refinitiv)
Trong thông cáo báo chí mới nhất, CEO của ngân hàng này cho biết ngân hàng có nguồn vốn và thanh khoản rất vững chắc, đồng thời luôn sẵn sàng tiền mặt để đương đầu với những vấn đề mà họ có thể gặp phải, thể hiện qua các báo cáo tài chính.
Vấn đề duy nhất của họ chính là chiến lược cho chặng đường sắp tới, khi mà những mảng kinh doanh chính hiện đang hoạt động tương đối khó khăn. Ngoài ra, việc thế giới đã có được bài học về hậu quả sau khi FED không giải cứu Lehman Brothers cũng phần nào cho thấy khả năng Credit Suisse phá sản là không cao.
Tuy nhiên sau những thương vụ đầu tư thua lỗ nặng nề cùng hoàn cảnh thị trường tài chính toàn cầu nói chung đang rất khó khăn, Credit Suisse sẽ cần phải rất cẩn trọng nếu không muốn tiếp tục sa lầy như những gì họ đã làm trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022.