Nông sản xuất khẩu xuống giá trầm trọng
Năm 2018, gia đình ông Phùng Xé Hừ (bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) thu hoạch lứa sa nhân đầu tiên. Mặc dù chỉ thu được hơn 15kg sa nhân khô, nhưng ông Hừ rất phấn khởi vì giá bán khi đó lên tới 1,2 triệu đồng/kg.
Mùa sa nhân năm 2021, gia đình ông Hừ thu hoạch được 8 tạ sa nhân tươi. Ban đầu thương lái trả 40.000 đồng/kg sa nhân tươi, nhưng lúc thu hoạch về, thương lái chỉ đồng ý mua với giá 20.000 đồng/kg. Không có điều kiện để sấy khô nên ông Hừ đành bán tươi, nhưng đến nay vẫn chưa thu được tiền.
Theo thương lái thu mua sa nhân cho biết thì: “Do dịch bệnh COVID-19 , phía Trung Quốc ngừng giao thương nên sa nhân không tiêu thụ được, cả mấy xe tải sa nhân tươi thối gần hết nên chưa có tiền để trả”.
Nhắc tới chuyện tiêu thụ nông sản trên địa bàn xã Ka Lăng, ông Phùng Phù Cà – Phó Chủ tịch xã Ka Lăng, cho biết: Trước đây, tất cả các mặt hàng nông sản bán cho Trung Quốc đều được người dân hoặc thương lái chở lên cửa khẩu U Ma Tu Khoòng (thuộc xã Thu Lũm, huyện Mường Tè), thông thương với cửa khẩu Bình Hà (thị trấn Bình Hà, huyện Lục Xuân, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) để bán tại chợ biên giới.
Nay cửa khẩu đang dừng hoạt động, hàng hóa không giao dịch được nên giá sa nhân khô hiện đã giảm thê thảm - từ 1,2 triệu đồng xuống còn 120.000 đồng/kg. Nhiều loại nông sản khác như: Nấm đỏ, ớt Trung Đoàn, dầu xả… giá cũng giảm nhiều lần so với trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Để chúng tôi hiểu hơn về những khó khăn trong tiêu thụ nông sản của người dân Ka Lăng, ông Phùng Phù Cà dẫn chúng tôi ghé thăm cơ sở sấy nấm đỏ của anh Chu Chu Phạ - người đầu tiên cũng là duy nhất ở Ka Lăng đầu tư cả 50 triệu đồng cho lò sấy nấm.
Mặc dù các lò sấy của anh Phạ vẫn đang hoạt động liên tục, nhưng theo lời anh Phạ thì, sấy để đó thôi chứ hiện tại cửa khẩu U Ma Tu Khoòng chưa thông thương nên hàng chưa mang đi bán được.
Nếu như năm 2017, giá bán 1kg nấm đỏ khô lên tới hơn 2 triệu đồng, thì hiện tại giá chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/kg – song không dễ bán. Do giá nấm khô giảm, nên giá thu mua nấm tươi của người dân cũng giảm từ 250.000 đồng/kg xuống còn 100.000 đồng/kg.
Trước đó, trò chuyện với người trồng xả ở xã Thu Lũm (cũng thuộc huyện Mường Tè), chúng tôi được biết, nếu như những năm 2017- 2019, trồng sà lấy tinh dầu xuất sang Trung Quốc được xem là công việc giúp nhiều hộ ở Thu Lũm trở nên khá giả; thì 2 năm dịch bệnh COVID-19, trưng cất dầu xả xong, nhiều hộ dân không muốn bán vì giá quá thấp.
“Trước khi có dịch COVID-19, giá bán 1 lít dầu xả cao điểm lên tới 500.000 đồng. Chở can dầu xả 20 lít lên chợ biên giới ở mốc 29 bán, là cầm về cả 6,7 triệu đồng. Nhưng hiện tại, dầu sả tiêu thụ chủ yếu trong nước với giá bán chỉ còn khoảng 150.000 đến 200.000 đồng/lít” – ông Chu Xế Lù, xã Thu Lũm cho hay.
Gian nan tìm đường đi cho nông sản
Tỉnh Lai Châu là địa phương có đường biên giới dài 265,095 km giáp chung với Trung Quốc, với 1 cửa khẩu song phương là Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) và 1 cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng (huyện Mường Tè).
Hai năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cả 2 cửa khẩu của Lai Châu đều có nhiều khoảng thời gian dài hạn chế xuất nhập khẩu, thậm chí dừng xuất nhập khẩu.
Những ngày đầu tháng 6 năm 2022, khi chúng tôi lên với Lai Châu cũng là thời điểm các hoạt động thông thương, mua bán tại 2 cửa khẩu vừa được nối lại. Tuy nhiên, các hoạt động giao dịch hàng hóa tại cửa khẩu vẫn rất hạn chế.
Với cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, sau nhiều ngày mưa lớn trên diện rộng, tuyến đường từ xã Thu Lũm đi cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đá, bùn đất tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông. Muốn di chuyển lên cửa khẩu còn khó, chưa nói gì đến việc chở hàng lên bán.
Trước đó, ngày 24/5/2022, cửa khẩu song phương là Ma Lù Thàng mở cửa thông thương trở lại xong phía Trung Quốc vẫn hạn chế số lượng và danh mục các hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang. Chính vì vậy, có cửa khẩu song phương, song nhiều mặt hàng nông sản của Lai Châu vẫn phải “dậm chân tại chỗ” hoặc tìm đường mới để xuất khẩu sang thị trường cũ là Trung Quốc.
Đơn cử như mặt hàng chuối tây do người dân huyện Phong Thổ trồng. Trước khi có dịch COVID-19, chuối tây của Lai Châu vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng với số lượng có khi lên tới vài chục tấn/ngày.
Sau khi cửa khẩu mở lại, phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu mặt hàng chuối tây nên giá chuối đã giảm từ 12.000 đồng/kg xuống còn trên 5.000 đồng/kg.
Giá chuối không chỉ giảm mà việc tiêu thụ chuối cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Hoàng Xạ Ngậu (người dân tộc Dao tiền, bản Sơn Bình, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ) – một thương lái chuyên thu mua chuối xuất khẩu sang Trung Quốc cho hay: Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cửa khẩu Ma Lù Thàng tạm dừng hoạt động, để tìm đường xuất khẩu chuối của đồng bào ở xã Ma Li Pho, chị Ngậu và các thương lái khác đã phải gom chuối để xuất khẩu sang các cửa khẩu như: Tây Trang (Điện Biên), Tân Thanh (Lạng Sơn), Thanh Thủy (Hà Giang), Kim Thành (Lào Cai).
“Nếu như trước kia xuất khẩu qua Ma Lù Thàng, chúng tôi mỗi người 1 xe 10 tấn, thì nay để giảm chi phí xăng dầu, sẽ gom hàng của 3 người (tổng 30 tấn) để đi” – chị Ngậu cho hay.
Do phải đi vòng nên chi phí cho 10 tấn chuối của chị Ngậu tăng theo cấp số nhân. Có thời điểm, xe chuối phải đi qua cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) để sang Lào, sau đó mới qua Trung Quốc – nguyên tiền vận chuyển và thuế phí, các thương lái phải trả lên tới 164.680.000 đồng/xe chuối 30 tấn.
Từ tháng 5/2022, chị Ngậu quay sang vận chuyển hàng qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai), chi phí nhờ đó đã giảm hơn rất nhiều song vẫn còn khoảng hơn 99 triệu đồng/xe 30 tấn.
Theo như chị Ngậu cho biết, do việc nhập hàng phía Trung Quốc có nhiều thay đổi nên từ đầu năm 2020 đến nay, cá nhân chị Ngậu đã có tới 5 lần chịu rủi ro, phải đổ đi cả mấy chục tấn chuối (trị giá gần 500 triệu đồng) vì xe hàng nằm chờ ở cửa khẩu quá lâu, chất lượng chuối không đảm bảo nên thương lái Trung Quốc từ chối nhận hàng.
“Không riêng mình tôi, ở huyện Phong Thổ này cũng có rất nhiều người phải đổ đi cả xe chuối do đường vận chuyển quá xa, việc xuất hàng lại thường xuyên bị động” – chị Hoàng Xạ Ngậu buồn bã chia sẻ.