Tại dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/NQ-CP vừa được trình Chính phủ, cơ quan soạn thảo đã không còn đề xuất thí điểm cơ chế đánh thuế nhà, đất ở thứ hai trở lên tại Tp.HCM.
Thay vào đó, Tp.HCM đề xuất tăng thuế sử dụng đất nông nghiệp với đất ở không quá 5 lần thu hiện hành và tăng thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên, nhưng không quá 2 lần hiện hành. Mức tăng cụ thể sẽ do HĐND Thành phố quyết định.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA), thí điểm tăng thuế đối với đất ở, thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên tại TP.HCM ở thời điểm hiện nay là đề xuất không phù hợp, có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến thị trường.
Mặt trái của vấn đề này là tác động đến nguồn cung, thanh khoản thị trường bất động sản Tp.HCM. Vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
“Chính sách này không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp. Nếu áp dụng, thị trường bất động sản tại TP.HCM sẽ bị tác động đáng kể, làm giảm cung và cầu bất động sản tại Thành phố. Đề xuất được đưa ra trong thời điểm niềm tin thị trường sụt giảm như hiện nay là quá “nhạy cảm”, không hợp lý, thậm chí còn gây “tác dụng ngược””, ông Châu nhấn mạnh.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang từng đề cập, đánh thuế cao với người sở hữu bất động sản thứ hai trở đi tại Tp.HCM giai đoạn này không những khó đạt được mục tiêu ngăn chặn đầu cơ mà còn có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản lớn nhất cả nước.
Theo ông Quang, nếu Tp.HCM thí điểm đánh thuế cao với người sở hữu bất động sản thứ hai vào thời điểm này thì không chỉ khiến dòng vốn đầu tư sẽ chuyển dịch sang các địa phương khác, mà còn phát sinh tình trạng lách luật để hạn chế số thuế phải đóng, dẫn đến càng khó quản lý.
“Muốn đánh thuế bất động sản thì phải số hóa được thị trường, phải nắm được toàn bộ số liệu và minh bạch các yếu tố như quỹ đất, giá giao dịch…, đặc biệt là giá để áp dụng đánh thuế, xác định được mức thuế áp dụng như thế nào và tiền thuế đóng phục vụ cho mục tiêu gì”, ông Quang chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group cho rằng, việc đề xuất tăng thuế đất, thuế thu nhập cá nhân với người chuyển nhượng BĐS thứ hai cần có lộ trình cụ thể, có thể là 3 – 5 năm đến ở các thành phố lớn như: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ,… Còn tại thời điểm hiện tại khi thị trường BĐS đang gặp khó khăn, trầm lắng như hiện nay nếu thí điểm đóng thuế BĐS thứ 2 tại Tp.HCM sẽ làm cho thị trường Tp.HCM có thể “ngủ đông” và kéo dài thời gian phục hồi.
Bên cạnh đó cần tính toán mức thuế làm sao cho phù hợp nhằm hạn chế đầu cơ, để BĐS không bỏ hoang, đưa vào khai thác, nhưng không quá cao để tránh bóp nghẹt thị trường. Bởi thị trường BĐS cũng là một thị trường hàng hóa, nếu can thiệp quá thô bạo sẽ tác động đến hàng chục ngành nghề khác.
“Thời điểm hiện tại, thị trường BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn nếu đề xuất thông qua, trong ngắn hạn sẽ làm cho sức cầu thị trường vốn đã khó khăn sẽ sụt giảm tiếp, nhà đầu tư sẽ “dè chừng” hơn trong quyết định đầu tư, kéo dài thời gian hồi phục của thị trường. Đối với địa phương được chọn thí điểm như Tp.HCM, nếu đề xuất thông qua ngay lúc này có thể làm thị trường BĐS TP rơi vào trạng thái ngủ đông kéo dài do nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn đầu tư vào thị trường khác thay vì chọn Tp.HCM để phải chịu thêm một khoản thuế.
Chưa kể, việc lo ngại rằng, khi TP.HCM thí điểm tăng thuế đất, thuế thu nhập thì dòng tiền đầu tư sẽ chảy ra các tỉnh/thành lân cận là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi theo ông Thắng, nhà đầu tư sẽ cân nhắc khi chi phí vốn bỏ ra sẽ tăng khi bị đánh thuế, điều này sẽ làm ảnh hưởng lợi nhuận kỳ vọng.
“Theo tôi, cần có lộ trình cụ thể, tránh trường hợp áp dụng đột ngột gây sốc thị trường nhất giai đoạn khó khăn như hiện nay. Có bảng biểu thuế phù hợp với từng phân khúc, vị trí, và diện tích bất động sản. Mức thuế phải hợp lý tránh trường hợp quá thấp không có tác dụng điều tiết thị trường cũng như ngân sách thu không đáng kể, nhưng thuế quá cao làm thị trường đóng băng gây thất thu ngân sách”, ông Thắng ý kiến.