Hiệu quả từ trồng mắc ca
Thời gian qua, việc trồng cây mắc ca đã mang lại hiệu quả cao đối với nhiều hộ sản xuất nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng, thực tế cũng đang cho thấy một số hạn chế đáng lo ngại, nhất là về nguồn giống, đầu ra sản phẩm… Từ đó có nhiều thông tin trái chiều đối với loại cây này, khiến người trồng không khỏi lo lắng…
Hộ ông Ngô Quang Phương, xã Cư Bao, TX. Buôn Hồ (Đăk Lăk) có khoảng 1ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng tiêu, cà phê, nhưng qua nhiều năm thu hoạch, cây già cỗi, năng suất giảm dần. Để tìm hướng đi hiệu quả hơn, năm 2013, gia đình ông Phương chặt bỏ tiêu, cà phê và mua 300 cây giống mắc ca của Công ty cổ phần Vina Macca về trồng.
Theo ông Phương, do lúc bấy giờ cây mắc ca chưa phát triển tại địa phương nên chưa ai có kinh nghiệm chăm sóc. Để phát triển thành công loại cây trồng này, ông Phương đã tham quan, học hỏi nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh.
Từ đó, sau 3 năm chăm sóc, diện tích mắc ca đã cho thu bói, đến năm thứ 6, mắc ca bắt đầu cho thu vụ chính, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 2,5 tấn quả tươi. Thế nhưng, mắc ca tươi giá không ổn định, lợi nhuận thấp, trong khi thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… lại rất ưa chuộng sản phẩm mắc ca sấy khô.
Để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, gia đình ông Phương đầu tư mua máy sấy, máy tách hạt… và cho ra sản phẩm mắc ca sấy. Hiện tại, mắc ca sấy của gia đình ông Phương được bán với giá 180 - 220 nghìn đồng/kg, thu lãi gần 400 triệu đồng/năm.
Năm 2018, 171 cây mắc ca trong vườn ông Phương được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam công nhận là cây đầu dòng, có thể sử dụng làm giống ghép. Trong đó, có 4 loại giống mắc ca: A38; 246; 800 và QN có tỷ lệ nhân cao khoảng 33 - 36%, nên được ưa chuộng, những cây đầu dòng đều được treo bảng ghi rõ tên từng loại giống. Sau khi được công nhận cây mắc ca đầu dòng, Công ty cổ phần HD Đăk Lăk thu mua cành giống. Trung bình một năm công ty thu mua 3 đợt, với tổng 1,5 tấn cành tươi, với giá 450.000 đồng/kg cành. Chỉ tính riêng việc bán cành giống, sau khi trừ chi phí, cũng đã thu về 400 triệu đồng/năm.
Hay như, hộ ông Dương Văn Minh, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) trồng xen khoảng 5.500 cây mắc ca trong vườn cà phê được gần 4 năm, bước đầu cũng đã mang lại hiệu quả cao. Theo ông Minh, cây mắc ca phát triển tương đối ổn định và bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2021. Mỗi cây cho năng suất khoảng 4kg hạt khô. Sản phẩm được sấy khô, đóng gói gửi đi các tỉnh, thành, với giá bán dao động từ 170.000 - 250.000 đồng/kg.
Tương tự, tại Đăk Nông, loại cây này đã được nhiều hộ nông dân chọn để phát triển kinh tế thay thế cho một số loại cây trồng cạn kém hiệu quả.
Cần chọn cây giống chất lượng
Tuy nhiên, tại vùng đất Tuy Đức, cây mắc ca phát triển tốt nhưng ít trái hoặc không ra trái lại đang là nỗi lo của một số hộ nông dân. Người trồng mắc ca đang cần những đánh giá khoa học để có hướng phát triển loại cây trồng này một cách bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Trước thực tế này, chính quyền huyện Tuy Đức nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ các hộ trồng mắc ca trên địa bàn. Nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, trải qua thực tế sản xuất, cho thấy cây mắc ca phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Nhất là phù hợp với phong tục, tập quán canh tác của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện Tuy Đức trồng được khoảng 1.500ha mắc ca. Hơn 20 loại giống mắc ca đang được người dân trồng phổ biến trên địa bàn. Các giống mắc ca phổ biến như: OC, 695, 800, 788, 246, 344, 741, 816, 842, 849, A4, A16, A38, QN1, Dadow...
Theo UBND huyện Tuy Đức, hiện vẫn chưa thể khẳng định giống mắc ca nào cho năng suất cao, phù hợp nhất với điều kiện sinh thái của Tuy Đức. Thực tế, người dân chủ yếu vẫn trồng tự phát, chưa có sự định hướng cụ thể nào về giống. Quá trình sản xuất mắc ca chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính. Việc vườn cây mắc ca cho năng suất cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.
Thực tế với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Tây Nguyên, phát triển trồng cây mắc ca là rất phù hợp.
Hiệu quả đối với việc trồng cây mắc ca thì thực tế đã ghi nhận. Song một trong những vấn đề người nông dân quan tâm hiện nay, đó là chất lượng cây giống. Do đó, Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã đầu tư kinh phí để đầu tư vườn ươm giống lớn, lấy nguồn cây mẹ tốt để cung cấp giống. Hiện đã có cơ sở cung cấp giống ở các tỉnh do Hiệp hội mắc ca Việt Nam quản lý.