Liên tiếp phát hiện, xử lý vi phạm
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện những vụ buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuy nhiên, do lợi nhuận cao, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm vận chuyển, kinh doanh các loại thực phẩm nhằm trục lợi.
Vừa qua, Phòng 6, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phát hiện, triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lớn (lên tới hơn 90 tấn hàng) không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây là kho hàng của Công ty TNHH An Việt có địa chỉ tại Lô 45-2 Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh.
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng với giá bán hàng chục triệu đồng cho một sản phẩm, như: Đùi lợn muối Tây Ban Nha, dê muối nguyên con...
Các sản phẩm này đều không đủ điều kiện bán ra thị trường, bởi có xuất xứ từ nước ngoài và trong tình trạng "3 không": Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Nhìn bằng mắt thường, khó phát hiện ra đây là thực phẩm "bẩn" nhưng trên tem mác cho thấy nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng từ 1 đến gần 2 năm...
Theo lực lượng chức năng, phương thức hoạt động của các đối tượng buôn bán, kinh doanh thực phẩm "bẩn" này là nhập lậu hoặc tạm nhập tái xuất rồi tìm cách tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng nhập hàng di chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi cung đường... Nếu không kịp thời phát hiện, xử lý, số thực phẩm "bẩn" nói trên sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hay giữa tháng 11 vừa qua, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đang củng cố hồ sơ để xử lý Công ty TNHH Sản xuất chế biến rau củ quả T.N (địa chỉ khu dân cư Bình Điền, phường 7, quận 8, TP. Hồ Chí Minh) do ông P.T.T. làm giám đốc về hành vi "kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm".
Trước đó, ngày 9/11, PC05 phối hợp Công an quận 8 kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở này thì phát hiện hai kho đông lạnh của cơ sở đang chứa hơn 11,7 tấn rau củ đóng gói trong các bao bì có nhãn hiệu tiếng Trung Quốc, gồm 1,7 tấn củ cải đỏ, hơn 8,5 tấn bông cải trắng, hơn 1,5 tấn bông cải xanh… Đáng chú ý, tất cả hàng hóa này đều không có nhãn phụ tiếng Việt và không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Tương tự, tại Quảng Ninh, chỉ trong thời gian rất ngắn, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã liên tiếp phát hiện và xử lý gần 40 vụ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 triệu đồng, tiêu hủy hơn 5 tấn thực phẩm không đủ điều kiện an toàn lưu thông. Trong đó, có nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc là chân vịt ăn liền, chân gà ăn liền, chả cá viên, bì heo, xúc xích, củ cải muối, trái cây, sữa…
Tại Bình Dương, vào cuối tháng 11, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương cũng phát hiện 130kg thực phẩm đã qua chế biến không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gói sẵn lưu trong kho đông lạnh, trên bao bì không có thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa với số lượng cụ thể gồm: 50kg chả lụa cây (loại 01 kg/cây); 80kg nem (loại 0,5 kg/bịch) của một công ty thực phẩm nằm trên đường Bùi Văn Bình, phường Phú Lợi. Toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm trên đã được Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Thực tế, thời điểm cuối năm, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt ngăn chặn triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn”... nhưng vì lợi nhuận, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm “tuồn” thực phẩm “bẩn” len lỏi ra thị trường và đi vào bữa ăn của nhiều gia đình, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường dịp Tết, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn thực phẩm các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo kế hoạch, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh,... Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn thường có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm, lễ, tết.
Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 (Kế hoạch). Kế hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Theo Kế hoạch sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.
Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố:
Đoàn số 1: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam.
Đoàn số 2: Thanh tra (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa.
Đoàn số 3: Thanh tra (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre.
Đoàn số 4: Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh: Nam Định, Thái Bình.
Đoàn số 5: Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Long An.
Đoàn số 6: Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long.