Trong thông báo mới nhất, Kienlongbank cho biết ngân hàng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi với quy mô 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Mức giảm lãi suất ngân hàng đưa ra với gói tín dụng này lên đến 2%/năm.
Trong đó, Kienlongbank sẽ dành 4.000 tỷ đồng cho vay với các khách hàng cá nhân, lãi suất giảm tối đa 1%/ năm so với lãi vay thông thường phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Gói tín dụng này sẽ được triển khai đến hết tháng 6 năm nay.
Cùng với đó, nhà băng này cũng triển khai gói ưu đãi lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 1.000 tỷ đồng, mức giảm lãi suất 0,5-2%/năm. Gói tín dụng này sẽ được áp dụng đến hết tháng 9.
Hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vay giảm lãi suất
Theo tìm hiểu, không riêng Kienlongbank, một loạt ngân hàng thương mại đã tung ra các gói cho vay ưu đãi lãi suất trong thời gian gần đây.
Cụ thể, HDBank cũng mới đưa ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giảm lãi suất 1,5-2%/năm so với mức cho vay thông thường dành cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà băng này cũng đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ công nghệ số vào gói tín dụng ưu đãi để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn vay, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành.
Tương tự, VIB cũng có gói tín dụng giảm tối đa 2%/năm lãi suất kinh doanh đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ, áp dụng với khách hàng sử dụng gói tài khoản iBusiness (cá nhân kinh doanh) hoặc sBusiness (doanh nghiệp siêu nhỏ) của ngân hàng. Trong khi đó, BacABank dành 5.000 tỷ đồng cho vay giảm lãi suất 0,3-0,5%/năm, áp dụng với các khoản vay ngắn hạn của khách hàng cá nhân trong lĩnh vực trồng, chăm sóc cây công nghiệp; nông nghiệp; đầu tư tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh... Gói tín dụng này sẽ được kéo dài từ nay đến hết năm 2023.
Không chỉ giảm lãi suất thông qua các gói cho vay theo đối tượng, một số ngân hàng gần đây đã điều chỉnh giảm cả lãi suất cơ sở, là lãi suất tham chiếu cho các khoản vay.
Trong đó, Techcombank đã áp dụng biểu lãi suất mới từ 22/3, với lãi suất cơ sở chuẩn cho vay mua bất động sản; xây, sửa nhà; tiêu dùng thế chấp linh hoạt và mua ôtô... dao động quanh mức 9,4-9,85%/năm với khách hàng cá nhân. Cùng với đó, lãi suất tham chiếu áp dụng cho các khoản vay điều chỉnh theo lãi suất tham chiếu cũng được đưa ra ở mức 11,55%/năm.
Tương tự, tại SHB, biểu lãi suất cơ sở dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp áp dụng từ ngày 22/3 cũng dao động trong khoảng 10,7-11,95%/năm, tùy thời hạn cho vay từ dưới 6 tháng đến trên 60 tháng. So với đầu năm, mức lãi suất các ngân hàng này đưa ra đều đã giảm nhẹ.
Không riêng nhóm ngân hàng tư nhân, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh cũng đang áp dụng các gói tín dụng giảm lãi suất với quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Trong đó, VietinBank đang áp dụng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng lãi suất từ 7,1%/năm áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn (tối đa 12 tháng), triển khai đến hết ngày 30/6.
BIDV cũng triển khai gói vay 170.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân. Bao gồm 100.000 tỷ cho vay trung - dài hạn, áp dụng từ nay đến hết ngày 31/12, lãi suất từ 9,5%/năm, phục vụ mục đích tiêu dùng, mua ôtô hoặc sản xuất kinh doanh. Còn lại, số dư 70.000 tỷ đồng được cho vay với lãi suất từ 7%/năm để phục vụ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của khách hàng trong năm với các kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng).
Tương tự, Vietcombank cũng đang triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất 7,5-8,6%/năm đối với các khoản vay dưới 12 tháng.
Agribank có gói tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp với quy mô 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD với lãi suất thấp hơn 1,5%/năm với khoản vay VND và thấp hơn 1%/năm với khoản vay USD so với lãi suất đang áp dụng. Chương trình kéo dài đến hết ngày 30/6.
Trong suốt giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Lãi suất sắp tới ra sao?
Theo báo cáo của các ngân hàng, trong tháng 2, mặt bằng lãi suất đã ổn định và lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022 và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect, cùng với động thái giảm lãi suất huy động, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra các gói cho vay ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong lĩnh vực bất động sản, 4 ngân hàng quốc doanh cũng đã thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đạt yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.
Theo các chuyên gia tại đây, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm nay trong bối cảnh cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công giúp bơm thanh khoản vào nền kinh tế và NHNN chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở, mua vào ngoại tệ…
Tuy nhiên, mức giảm sắp sẽ không lớn do lãi suất giảm sẽ gây thêm áp lực lên tỷ giá trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ được dự báo còn tăng đến giữa năm và giữ mặt bằng cao đến quý IV.