Ngày 15/7, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Lãi suất cho vay mới giảm từ 0,5 đến 3%/năm
Tại hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sau 4 lần giảm các loại lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm, tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
Về điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã bám sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, cácnhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ từ tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Về điều hành tín dụng, ngay đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng; đồng thời, chỉ đạo xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Đây là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn trong nền kinh tế khó khăn. Đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Tập trung vốn cho các dự án bất động sản đầy đủ pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt
Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có tỷ lệ rủi ro cao, thực hiện tốt công tác định giá tài sản bảo đảm nhất là tại các địa bàn có hiện tượng sốt đất, thổi giá bất động sản trong thời gian qua.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
(Chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị)
Gói cho vay 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được các ngân hàng thương mại nhà nước triển khai từ tháng 4/2023, thực hiện bằng nguồn lực của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.
Đến cuối tháng 5/2023, gói cho vay ưu đãi lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đã đạt doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 123.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 54.000 tỷ đồng cho 2.000 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 500 tỷ đồng.
Bên cạnh tín dụng thương mại, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, các đối tượng chính sách khác và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Kết quả, đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022; trong đó các chính sách cho vay theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đạt trên 19 nghìn tỷ đồng; cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP đạt trên 1.500 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với dư nợ cho vay trên địa bàn các xã đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng.