Theo khảo sát mới nhất của chúng tôi, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn chưa có động thái điều chỉnh giảm.
Tại ACB, lãi suất cơ sở của ngân hàng này vẫn đang được duy trì ở mức 9,5%/năm, chưa có sự thay đổi so với trước Tết.
SeABank hiện vẫn áp dụng mức lãi suất cơ sở 12%/năm đối với các khoản vay giải ngân và ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ từ ngày 09/07/2020.
Lãi suất cơ sở cao nhất hiện đang ghi nhận tại Eximbank là 10,1%/năm dành cho các hợp đồng tín dụng có thời hạn vay trên 5 năm, chu kỳ thay đổi lãi suất 6 tháng. Mức thấp nhất là 8,8%/năm, được áp dụng cho các khoản vay có thời hạn tối đa 1 năm, chu kỳ thay đổi lãi suất 3 tháng.
Tại Sacombank, lãi suất cơ sở hiện dao động từ 6,5-10,1%/năm, không có sự thay đổi so với trước Tết Nguyên đán.
Tại VPBank, lãi suất cơ sở thấp nhất đang là 10,6%/năm, áp dụng cho các khoản vay có thời hạn 1-3 tháng, chu kỳ điều chỉnh 1 tháng; cao nhất là 12,6%, áp dụng cho các khoản vay có thời hạn trên 15 năm, chu kỳ điều chỉnh 3 tháng.
Một số ngân hàng khác cũng đang có lãi suất cơ sở trên 10%/năm như SHB (11,2-12,7%/năm); TPBank (10,4-11,9%/năm); VIB (9,3-11,5%/năm); VietBank (11-12%/năm).
Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Như vậy, mức lãi suất cho vay hiện tại đều cao hơn đáng kể so với mức 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của NHNN.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính FIDT, Ngân hàng Nhà nước đã nắm bắt tình hình về cuộc đua lãi suất, đồng thời có những biện pháp can thiệp. Động thái rõ ràng nhất của nhà điều hành trong thời gian gần đây đó là yêu cầu các ngân hàng thương mại khống chế lãi suất huy động ở mức 9,5%/năm.
“Tuy nhiên, với chi phí vốn như trên, lãi suất đầu ra trên thị trường vẫn đang có thể trong vùng 15-16%/năm, mức cao trong nhiều năm trở lại đây”, ông Tuấn đánh giá.
Chuyên gia cho rằng, thời gian vừa qua tình hình lãi suất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Có thể trong nửa đầu 2023, cơ quan này sẽ chạm đến mức lãi suất mục tiêu 5%. Bên cạnh đó, lạm phát tại Hoa Kỳ cũng đã giảm dần. Nhà điều hành Mỹ vì lẽ đó có thể sẽ không còn nhiều lý do áp dụng các biện pháp mạnh để khống chế bão giá.
Về phía Việt Nam, có thể NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành từ 0,5-1% cho nửa đầu 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều chỉ số đang cho thấy hành động này có thể không còn quá cần thiết.
“Thông thường lãi suất huy động sẽ được giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Thời điểm hiện tại, lãi suất đầu vào đã bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng cao đến những tháng cuối năm lãi suất cho vay sẽ bắt đầu có sự hiệu chỉnh”, ông Tuấn dự báo về thời gian hạ lãi suất.
Ở góc nhìn của TS. Đinh Thế Hiển, việc giảm lãi suất cho vay có thể được diễn ra sớm hơn.
“Dự kiến trong quý I/2023, phổ lãi suất huy động sẽ có thể về mức 6,5-7% đối với các ngân hàng tốt và 8-9% đối với các ngân hàng vừa và nhỏ. Có thể, hết quý 2 tình hình lãi suất huy động sẽ trở lại bình thường dao động trong khoảng ±7%/năm và lãi suất cho vay có thể quanh mốc 10-11%”, ông Hiển dự báo.