Theo đó, đáng chú ý là lãi suất liên ngân hàng bật tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước bất ngờ chuyển từ trạng thái bơm ròng sang hút ròng.
Cụ thể, sau 5 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã mở lại hoạt động phát hành tín phiếu và hút 15.000 tỉ đồng từ 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5,79%/năm.
Trong phiên, các ngân hàng vay mượn qua đêm lẫn nhau hơn 225.700 tỷ đồng với lãi suất 6,26% một năm, cao hơn 0,17% so với trước Tết và hơn 1,7% so với cuối năm ngoái. Hình thức vay mượn này chiếm tới 95% khối lượng giao dịch giữa các nhà băng.
Trong khi lãi suất kỳ hạn 9 tháng bất ngờ tăng lên 13%/năm từ mức 9,61% ghi nhận trước đó. Tuy nhiên doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỉ đồng, chiếm chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên này.
Ngoài ra, lãi suất vay kỳ hạn 1 tuần cũng lên 6,46% một năm với khối lượng giao dịch 21.797 tỷ. Các kỳ hạn khác như 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng cũng tăng lên so với trước Tết Nguyên đán.
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao dù Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm thanh khoản trong 5 phiên giao dịch sau dịp Tết với tổng khối lượng cung ứng ròng gần 70.800 tỷ đồng.
Đến ngày 3/2, nhà điều hành mới mở lại hoạt động tín phiếu hút 15.000 tỷ đồng từ 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5,69% một năm. Ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút về gần 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày lãi suất 5,49% một năm.
Lãi suất liên ngân hàng theo giới phân tích, khó hạ nhiệt sớm trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu vẫn có thể tiếp diễn. Lãi suất huy động được dự báo đạt đỉnh vào giữa năm nay trước khi hạ nhiệt vào giai đoạn sau đó.