Hôm nay (19/8), Eximbank áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Trong đó, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,1 điểm % so với trước đó.
Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng áp dụng chỉ còn 5,9%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online, lãi nhận cuối kỳ. Với mức điều chỉnh này, Eximbank đang có lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên thấp hơn cả nhóm Big4 (dao động trong khoảng 6 – 6,3%/năm)
Theo biểu lãi suất mới được áp dụng, VIB cũng giảm 0,2 - 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng là 6,5%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này đã có một đợt giảm lãi suất tiền gửi vào đầu tuần này (14/8).
Từ ngày hôm nay, NCB cũng sẽ áp dụng biểu lãi suất mới với mức giảm 0,1 – 0,2 điểm % tại các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Trong đó, mức cao nhất mà ngân hàng này áp dụng sẽ giảm về còn 7,1%, dành cho các kỳ hạn 12 – 13 tháng, theo hình thức gửi tiền online.
Ngân hàng ngoại Standard Chartered cũng vừa giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động tại kỳ hạn 3 tháng và 0,3 điểm % tại kỳ hạn 12 tháng. Hiện kỳ hạn 12 tháng chỉ được ngân hàng này áp dụng mức lãi suất 2,9%/năm; trong khi kỳ hạn 3 tháng giảm về còn 1,5%/năm. Trước đó, Standard Chartered đã giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động tại kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vào ngày 17/8.
Trong tuần qua, một loạt ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất huy động với sự tham gia của cả những "ông lớn" trong ngành như Techcombank, ACB, MB, Sacombank,...
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước và 4 ngân hàng nước ngoài vào sáng ngày 19/8 cho thấy, mức lãi suất huy động cao nhất đang được niêm yết là 8,3%/năm. Theo đó, mức lãi suất này đang được Ngân hàng Đông Á áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 1 tỷ trở lên.
Các ngân hàng tư nhân nhỏ hầu hết đang niêm yết lãi suất cao nhất trong khoảng 6,9 – 7,4%/năm.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, mức lãi suất cao nhất chủ yếu dao động trong khoảng 6,2 – 6,9%/năm như: SHB (6,9%), VPBank (6,8%), Sacombank (6,5%), MB (6,6%), Techombank (6,3%), ACB (6,2%).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất tiền cao nhất là 6,3%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trong bối cảnh nhóm ngân hàng tư nhân liên tục điều chỉnh giảm, Big 4 không còn là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất thị trường. Chẳng hạn như Eximbank có lãi suất cao nhất chỉ 5,9%/năm; hay như ACB với lãi suất huy động cao nhất chỉ 6,2%/năm.
Theo dự báo của VnDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023, do: (1) tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, (2) tăng trưởng tín dụng chậm trong nửa đầu năm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn, (3) Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và (4) Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
VnDirect cũng nhận định, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới”, VnDirect đánh giá