Theo số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 - 90% tổng khối lượng giao dịch) trong phiên 5/10 đã tăng lên 8,44%/năm - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Trước đó, lãi suất qua đêm trên thị trường 2 đã tăng vọt từ mức 5,26% trong phiên 3/10 lên 7,88%/năm vào phiên 4/10.
Dù lãi suất tăng, nhưng doanh số vay qua đêm giữa các ngân hàng vẫn tăng mạnh, đạt 234.196 tỷ đồng (so với mức 156.844 tỷ trong phiên 4/10). Điều này cho thấy nhu cầu vay mượn ngắn hạn để bù đắp thanh khoản của các nhà băng vẫn là rất lớn.
Không chỉ kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại các kỳ hạn khác cũng tiếp tục tăng. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 9 tháng đã tăng vượt mức 9%, lên lần lượt 9,48%/năm và 9,72%/năm.
Trước diễn biến lãi suất VND tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng, trong phiên 5/10, NHNN tiếp tục bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống.
Cụ thể, ở nghiệp vụ thị trường mở, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, đấu thầu lãi suất. Có tới 19.999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giảm xuống mức 6,5%/năm (phiên liền trước là 6,9%/năm); có 999,99 tỷ đồng đáo hạn. Đồng thời, nhà điều hành cũng dừng phát hành tín phiếu hút tiền về như hai phiên trước đó. Như vậy, NHNN đã bơm ròng 19.000 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở, nâng tổng lượng bơm ròng kể từ khi tăng suất điều điều hành (23/9) lên hơn 97.400 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý khác trong hoạt động bơm thanh khoản của NHNN là lãi suất OMO trong hai phiên gần đây đã cao hơn nhiều so với mức quanh 4,5%/năm chỉ cách đây chưa đầy một tháng trước, hay xa hơn chút chỉ 2,5% nửa đầu năm nay. Và khi không tiếp cận được dòng tiền trên kênh OMO, các ngân hàng cần vốn gấp để cân đối thanh khoản phải vay trên liên ngân hàng với lãi suất cao hơn nữa. Điều này cho thấy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh một phần đến từ định hướng điều hành của NHNN.
Theo giới phân tích, NHNN muốn duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở mức cao, nhằm tạo chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá. Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh dữ trữ ngoại hối đã giảm khá mạnh từ đầu năm sau khi NHNN bán ra một lượng lớn USD để can thiệp thị trường.
Mặt khác, lãi suất trúng thầu OMO tăng vọt cũng phát đi tín hiệu về khả năng NHNN sẽ tiếp tục nâng nâng lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm, nhất là khi FED sẽ tăng thêm lãi suất trong các cuộc họp sắp tới.
Trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2022 và dự báo quý 4/2022, Ngân hàng UOB Việt Nam dự báo NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản (1 điểm %) đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,50% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6,00% vào cuối quý 1/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020.
Tại báo cáo mới phát hành, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong những tháng còn lại của năm 2022 nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Theo SSI Research, so với cuối năm 2021, giá USD tại Vietcombank đã tăng 4,7%, giá USD liên ngân hàng tăng 4,5%. Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao. Trong khi đó, khả năng NHNN tiếp tục bán USD để can thiệp thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại tệ hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF.