Theo biểu lãi suất huy động tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân mới tại Techcombank, nhà băng này đã điều chỉnh giảm một loạt mức lãi suất huy động ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với tháng 12/2022.
Cụ thể, trong tháng trước đó, mức lãi suất huy động tối đa nhà băng này đưa ra cho các khách hàng cá nhân vẫn là 9,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi 6 tháng trở lên, giá trị từ 3 tỷ đồng của nhóm khách hàng Private/VIP 1. Với các khách hàng thường, mức lãi suất ngân hàng đưa ra cũng là 9,3%/năm.
Tuy nhiên, đến nay, mức lãi suất tối đa Techcombank chi trả cho các khách hàng cá nhân theo biểu lãi suất niêm yết này chỉ là 9,2%/năm (với khách hàng Private/VIP 1 gửi trên 6 tháng, từ 3 tỷ đồng). Tương tự, với nhóm khách hàng thường, mức lãi suất cũng giảm còn 8,9%/năm.
Thậm chí, nếu chọn gửi 6-11 tháng, mức lãi suất các khách hàng thường nhận được chỉ dao động trong khoảng 8,5-8,7%/năm, theo các mốc gửi dưới 1 tỷ; 1-3 tỷ và từ 3 tỷ đồng trở lên.
Không riêng Techcombank, biểu lãi suất tháng 1 của Sacombank cũng đã điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn so với tháng 12/2022.
Trên kênh quầy, mức lãi suất cho các khoản tiền gửi 1-4 tháng lĩnh lãi cuối kỳ hiện nay là 5,7-5,95%/năm, giảm 0,05-0,3 điểm % so với tháng trước, trong khi các kỳ hạn gửi 6 tháng trở lên không thay đổi.
Trên kênh online, Sacombank cũng duy trì biểu lãi suất ổn định với mức lãi cao nhất 9,2%/năm, áp dụng cho các khoản gửi 15 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.
Tuy nhiên, trong biểu lãi suất tháng này, Sacombank đã không còn áp dụng mức lãi suất cao nhất 9,8%/năm cho các khoản tiền gửi 12 tháng trở lên nếu khách hàng mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ như trước đó.
MSB trong tháng 11/2022 tung ra chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng mới, gửi online, lần lượt ở 9,7%/năm (6 tháng); 9,8%/năm (12 tháng) và 9,9%/năm (15-24 tháng). Đến tháng 12 cùng năm, lãi suất tại nhà băng này đã giảm về mức tối đa 9,4%/năm, áp dụng với tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng trở lên sau cuộc họp bàn về vấn đề lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).
Đến nay, mức lãi suất tối đa tại nhà băng này một lần nữa giảm về 9%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi online 13 tháng trở lên. Trong khi đó, nếu gửi 6-11 tháng, mức lãi suất khách hàng nhận được từ MSB là 8,8%/năm và gửi 12 tháng nhận 8,9%/năm, đều giảm 0,4 điểm % so với tháng trước.
Tương tự, biểu lãi suất tiền gửi hiện tại của Vietcapital Bank đã giảm tới 0,5 điểm % so với đầu tháng 12/2022. Trong đó, lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra hiện nay là 9%/năm, áp dụng với tiền gửi online 12 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn thấp hơn, mức lãi suất ngân hàng này đưa ra lần lượt là 8,6%/năm với kỳ hạn 6-8 tháng; 8,8%/năm với kỳ hạn 9-11 tháng, đều giảm 0,2-0,5 điểm %.
- Biểu lãi suất tiền gửi online tại một số ngân hàng lớn (%/năm):
Theo khảo sát, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong tháng 1 năm nay như OceanBank, PVCombank; DongABank; BacABank; Saigonbank; SCB…
Trong khi đó, với nhóm ngân hàng quốc doanh (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) mặt bằng lãi suất huy động vẫn duy trì ổn định so với cuối năm 2022. Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 6-11 tháng tại nhóm ngân hàng này phổ biến trong khoảng 6-6,1%/năm và 7,4%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.
Trên kênh online, VietinBank và BIDV là ngân hàng có lãi suất cao nhất với mức 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12-24 tháng.
Trước đó, các chuyên gia tài chính đều dự báo mặt bằng lãi suất ngân hàng sẽ có xu hướng giảm dần từ đầu năm nay. Ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup, cho rằng năm 2022, dòng tiền đã chịu áp lực lớn. Tổng cung tiền trong nền kinh tế đi ngang và giảm nhẹ cả năm, trong khi tăng trưởng cung tiền cần 12-13% để nền kinh tế tăng trưởng.
Theo vị chuyên gia, việc thắt chặt chính sách tiền tệ này của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là để đối phó với các áp lực đến từ bên ngoài.
Theo ông Báu, tình hình thị trường sẽ dần “dễ thở” hơn trong năm 2023, theo đó, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II, trong khi lạm phát di chuyển theo hướng tăng cao những tháng đầu năm nhưng sẽ giảm dần.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Đinh Thế Hiển dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt từ quý I và về mức ổn định từ cuối quý II năm nay. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II trở đi, trong khi xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm và phục hồi dần từ quý III.